Thẩm tra các dự án luật đi từ căn cứ thực tiễn

Trong quá trình thẩm tra các dự án luật, nội dung càng khó, phức tạp thì càng cần phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến nhiều chiều, đặc biệt là ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp. với phương châm như vậy, trong năm 2022, Ủy ban Xã hội đã hoàn thành nhiệm vụ thẩm tra những dự án luật lớn, đảm bảo chất lượng, được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.

Lùi thời điểm thông dự án luật để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã đưa ra quyết định như vậy khi đứng trước nhiều vấn đề khó, phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó vấn đề cơ chế tài chính bệnh viện là vướng mắc lớn nhất.

Là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, Ủy ban Xã hội đã không ngại đụng vấn đề khó, bắt tay ngay từ nút thắt này. Ngay sau kỳ họp thứ 4, Ủy ban Xã hội đã tiến hành khảo sát tại một số bệnh viện. Đơn cử như tại Phú Thọ, Ủy ban đã trực tiếp làm việc với các bệnh viện cả công và tư; qua đó lắng nghe căn cơ những vướng mắc, nguyên nhân khiến bệnh viện mất đi yếu tố tự chủ.

Thực tiễn khảo sát là những cơ sở quan trọng để Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế ngồi lại tiếp tục thảo luận, thống nhất các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo cuối cùng khi trình ra Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của ĐBQH; Trong đó có việc thiết kế 01 mục riêng về “các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh” tại Chương X được cho là cơ bản giải quyết những vấn đề “nóng” của ngành.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Như Thảo