Thành công đàm phán Nga - Ukraine hy vọng về một giải pháp ngoại giao

Quân đội Nga cho biết sẽ giảm mạnh hoạt động quân sự ở phía Bắc, thủ đô Kiev, trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đều đề cập đến những tiến triển của vòng đàm phán mới nhất vừa diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra hy vọng về một giải pháp ngoại giao giữa hai nước trong tương lai. Cùng với đó là tin tức về ảnh hưởng của cuộc chiến ở UKraine đến nỗ lực cứu đói cho khoảng 125 triệu người trên.

Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky đã mô tả các đề xuất của Ukraine là “rõ ràng”, đồng thời đề cập khả năng về một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky trong thời gian sớm nhất. Các quan chức Nga cho biết, nước này đang thực hiện hai bước để giảm leo thang xung đột về cả phương diện chính trị và quân sự. 

Ông ALEXANDER FOMIN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga: Do các cuộc đàm phán về quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa của Ukraine, cũng như về những đảm bảo an ninh đang chuyển sang giai đoạn thưc tế và sau khi tính đến tất cả các nguyên tắc đã được thảo luận, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định giảm hoạt động quân sự gần các thành phố Kiev và Chernihiv để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo và đạt được mục tiêu cuối cùng là một thỏa thuận chấm dứt căng thẳng.”

Trước đó Ukraine đã đồng ý duy trì quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện nhận được những đảm bảo an ninh, mà “về nội dung và hình thức phải tương tự Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Theo đó, Ukraine sẽ không cho phép lực lượng nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ của mình cũng như triển khai quân sự tại đây. 

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: “Những tín hiệu mà chúng tôi nhận được từ các cuộc đàm phán là tích cực, dù tình hình vẫn chưa trở nên dễ dàng hơn. Ukraine sẵn sàng và sẽ tiếp tục quá trình đàm phán. Chúng tôi tin tưởng vào kết quả. Phải có an ninh thực sự và chủ quyền cho đất nước và người dân chúng tôi. Sẽ không có thỏa hiệp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Dẫu vẫn còn những hoài nghi, song những diễn biến tích cực trên mặt trận ngoại giao đã ngay lập tức giúp đồng rúp phục hồi, giảm leo thang giá dầu và tăng giá cổ phiếu trên thị trường tài chính quốc tế.

XUNG ĐỘT UKRAINE ĐE DỌA NỖ LỰC CỨU ĐÓI CHO 125 TRIỆU NGƯỜI

Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới vừa cảnh báo, cuộc chiến ở UKraine đang đe dọa làm suy yếu những nỗ lực của cơ quan này trong việc cứu đói cho khoảng 125 triệu người trên toàn cầu, vì xung đột đã biến Ucraina từ chỗ là “vựa lúa của thế giới thành nơi cần cứu trợ".

Chương trình Lương thực Thế giới đang cứu đói cho 138 triệu người ở hơn 80 quốc gia, trong đó có Êtiopia, Apganixtan, Nam Suđăng, Yemen, Nigeria, Xyri.... Tuy nhiên xung đột Ucraina nổ ra đã đẩy chi phí cung cấp hỗ trợ lương thực tăng cao và theo ước tính của Tổ chức Nông lương FAO, thêm 13 triệu người trên toàn thế giới có thể bị đẩy vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Ông DAVID BEASLEY, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới: “Giờ đây chúng tôi đang nói về thảm họa chồng thêm  thảm họa bởi vì Ucraina, từ chỗ là nơi cung cấp lương thực thành nơi cần cứu trợ. Xung đột không chỉ tàn phá sản xuất lương thực ở Ucraina và khu vực, mà có tác động vượt ra xa.”

Các chương trình cứu trợ của Chương trình Lương thực Thế giới sẽ gặp khó khăn hơn vì 50% lượng ngũ cốc mà tổ chức này mua cho các dự án nhân đạo là nhập từ Ucraina. Sản xuất lương thực trên thế giới cũng sẽ khó khăn hơn vì nguồn cung các sản phẩm phân bón từ Belarus và Nga bị gián đoạn.

Hồng Nhung