Thanh Hóa: Nhiều cán bộ vùng dân tộc thiểu số chuyển công tác do chính sách thay đổi

Khảo sát, đánh giá tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các xã Khu vực III, khu vực II, khu vực I và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Thanh Hóa, Đoàn khảo sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã ghi nhận tình trạng nhiều người đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Huyện Quan Hoá, Tỉnh Thanh hoá là huyện miền núi có hơn 91% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số. Khi các quyết định này có hiệu lực thực hiện, Huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá đang có 14/15 xã, thị trấn và 74/107 thôn bản thuộc diện khó khăn thì nay chuyển sang diện không còn xã đặc biệt khó khăn và chỉ còn 36 thôn đặc biệt khó khăn, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chính sách an sinh về y tế, giáo dục, vay vốn, chính sách về đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là ảnh hưởng đến chính sách cán bộ, công chức, viên chức công tác tại địa bàn này.  

Bà PHẠM THỊ TUYẾT, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá: “Tháng 7/2020 tôi về đây tổng lương cả phụ cấp nữa là  hơn 12 triệu mà bây giờ chỉ còn 7 triệu, mất hơn 5 triệu cán bộ ở đây cả gia đình 4 người sống chỉ bằng một suất lương nhưng chỉ được khoảng 4 triệu thôi, cho nên rất nhiều người muốn nghỉ  việc để đi làm ăn xa.”

Bà HÀ THỊ HƯƠNG, Bí thư Huyện ủy Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá: “Nhất là giáo viên thì vừa rồi có đơn xin chuyển rất nhiều, chúng tôi báo cáo với tỉnh, động viên tuyên truyền để giữ chân lại. Người ta cũng so sánh là các xã biên giới giáp ranh chỉ cách nhau một bờ tường mà chính sách cán bộ khác nhau về phụ cấp

Đoàn Khảo sát ghi nhận những kiến nghị này và đề nghị địa phương cần phải phân tích làm rõ việc tác động đến tâm tư tình cảm của cán bộ cũng như người dân để có cách nhìn một cách toàn diện hơn về mặt nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Phan Xanh