Tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm trụ sở dôi dư ở Cao Bằng

Nghịch lý trạm y tế chỉ là 1 trong số rất nhiều tồn tại sau sáp nhập ở Cao Bằng. Sáp nhập 6 huyện; 76 xã, thị trấn để giảm 3 huyện, 38 đơn vị cấp xã đồng nghĩa với hàng trăm trụ sở làm việc, sinh hoạt cộng đồng… từ cấp huyện đến xã dôi dư. Việc này đang gây lãng phí lớn cho địa phương vùng cao biên giới này.

Phòng làm việc trở thành nhà kho, mạng nhện giăng khắp nơi, từng mảng tường bong tróc… là những gì đang diễn ra ở nơi trước đây là huyện ủy huyện Trà Lĩnh. Sau sáp nhập với Trùng Khánh, nhiều trụ sở bị bỏ không 2 năm nay, thậm chí có nơi trở thành sân phơi ngô như thế này.

Ông PHẠM VĂN CAO, Bí thư huyện ủy Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng:Trước thực trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị sáp nhập tổng rà soát cơ sở vật chất. Đối với chỗ đủ điều kiện cho tổ chức đấu giá và sử dụng kinh phí đó đầu tư vào hoạt động khác. Tuy nhiên đến thời điểm này huyện Trùng Khánh chưa triển khai được mà chỉ dừng ở rà soát và thống kê.”

Còn tại huyện Phục Hoà cũ, toàn bộ trụ sở của cơ quan hành chính cũng trong tình cảnh tương tự, chỉ số ít phòng được tận dụng làm việc. Dù vậy điều này đang tạo dư thừa và lãng phí lớn.

Bà NÔNG THỊ HÀ, Bí thư huyện ủy Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng: “Cơ bản trụ sở chính của hai đơn vị vẫn được chúng tôi tận dụng, tuy nhiên không thể khai thác hết công năng của khu này. Tỉnh cũng đã có phương án nhưng cũng chưa triển khai.”

Giải quyết trụ sở dôi dư, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản liên quan, các địa phương đề xuất theo hướng giữ lại các cơ sở để tiếp tục sử dụng hoặc điều chuyển để làm nhà văn hóa, giáo dục... Dự kiến là vậy nhưng để thực hiện không phải một sớm một chiều.

Ông TRẦN HỒNG MINH, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng:Chúng tôi đã cho sắp xếp lại các cơ sở vật chất, trụ sở, cơ quan. Tới đây có chương trình sắp xếp xong sẽ đấu giá, thanh lý theo đúng Nghị quyết, lấy nguồn lực đó xây dựng lại các đơn vị, trụ sở mới cho phù hợp sau sáp nhập, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, người dân tham gia hoạt động ở bộ máy chính quyền.”

Theo thống kê, sau sáp nhập, toàn tỉnh Cao Bằng có 128 cơ sở nhà, đất dôi dư. Trước mắt, tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát kỹ từng cơ sở nhà, đất để có phương án sắp xếp khoa học, tối ưu nhất, sử dụng tối đa công năng hiện có, không để cơ sở nào bỏ hoang. 

Hà Lan