Thế giới cần nhiều nỗ lực để chung tay bảo vệ Trái Đất

Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng thời tiết khắc nghiệt diễn ra mỗi ngày tại khắp nơi trên Trái đất… đang nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với tự nhiên. Thiên nhiên là điểm tựa để tạo ra sinh kế cho nhiều cộng đồng, nhưng đổi lại, con người cần học cách trân trọng, bảo vệ món quà này không chỉ cho hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau.

BÁO CÁO TRẠNG THÁI KHÍ HẬU TOÀN CẦU, TIẾNG NÓI KHẨN CẤP VỀ BẢO VỆ TRÁI ĐẤT

Tổ chức Khí tượng Thế giới vừa công bố báo cáo mới nhất về “Trạng thái Khí hậu toàn cầu năm 2021”. Đây là một trong những báo cáo được tổ chức khí tượng toàn cầu này công bố hàng năm để cảnh báo thế giới về những nguy cơ của biến đổi khí hậu và hành động của con người trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

Báo cáo đánh giá tình trạng ấm nóng toàn cầu của năm 2021 so với các năm trước đó chỉ rõ, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, carbon dioxide, khí metan, nitơ oxide vẫn đang tiếp tục gia tăng trong năm 2021. Và mực nước biển toàn cầu đã chạm mức kỷ lục mới, đi kèm với sự gia tăng của tình trạng ấm nóng và acid hóa ở đại dương. Báo cáo dẫn chứng những hiện tượng thiên tai nghiêm trọng có liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có các vụ cháy rừng ở Hy Lạp vào mùa hè 2021, tình trạng lũ lụt tại Australia vào tháng 11 năm 2021, tình trạng ngập lụt trên khắp Ấn Độ... Nghiêm trọng nhất là tình hình mưa lũ ở khu vực Tây Âu vào tháng 7/2021, được xem là một trong những vụ thảm hoạ thiên tai tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 ở Châu Âu. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: "Báo cáo khí hậu này là một hồi chuông cho thấy con người đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng, sức nóng của đại dương, nồng độ khí nhà kính và tình trạng axit hóa đại dương đều đang thiết lập những kỷ lục mới đáng báo động trong năm 2021. Mực nước biển trung bình toàn cầu tăng hơn gấp đôi so với tốc độ trước đây, chủ yếu là do băng tan ngày càng nhanh. Hiện tượng ấm lên của đại dương cũng tăng mạnh trong hai thập kỷ qua. Phần lớn đại dương đã trải qua ít nhất một đợt ấm lên mạnh vào một thời điểm nào đó vào năm 2021."

Ông PETTERI TAALAS - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới: “Chúng ra đã phá kỷ lục về mức độ acid của đại dương, đây là mối đe dọa lâu dài đối với một số hệ sinh thái của đại dương, ví dụ như san hô. Chúng ta tiếp tục chứng kiến hiện tượng băng tan, khiến mực nước biển ngày một dâng cao, đặc biệt là các sông băng ở Greenland và Nam Cực, tác động lớn đến mực nước biển dâng.”

Những thông tin của báo cáo đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái đất và những hệ lụy của nó đối với cuộc sống của nhân loại như thế nào. Đây cũng chính là lời cảnh báo nhân loại về trách nhiệm phải bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh ra sao. Điều này cũng đã được giới khoa học và quan chức khí hậu của Liên hợp quốc nhiều lần cảnh báo trước đó.

Ông SELWIN HART - Cố vấn đặc biệt về hành động khí hậu của LHQ: "Biến đổi khí hậu tiếp tục phá vỡ các kỷ lục mới và tất cả các chỉ số khí hậu chính đều đang đi sai hướng. Nếu chúng ta không nỗ lực hành động và đặt ra những tham vọng lớn hơn, cấp bách hơn, chúng ta sắp đánh mất cơ hội giữ cho mục tiêu tăng 1,5 độ C của hiệp định Paris khả thi."

Tác động của  Biến đổi khí hậu đang hiển hiện ở mọi nơi trên thế giới. Để bảo vệ cuộc sống của con người, bảo vệ Trái đất, cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn của các nước trên thế giới.

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO – XU HƯỚNG BỀN VỮNG BẢO VỆ TRÁI ĐẤT

Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây nhiều ảnh hưởng với môi trường cũng như sức khỏe con người, thế giới đang hướng tới việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế. Năng lượng gió, mặt trời, có sẵn trong tự nhiên, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi đang là ưu tiên phát triển của các quốc gia.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: “Hệ thống năng lượng toàn cầu bị phá vỡ và đưa chúng ta đến gần hơn với thảm họa khí hậu. Nhiên liệu hóa thạch là một ngõ cụt - về mặt bảo vệ môi trường và kinh tế. Xung đột ở Ukraine và những tác động ngay lập tức với giá năng lượng là một lời cảnh tỉnh. Tương lai bền vững duy nhất là một tương lai có thể tái tạo. Chúng ta phải chấm dứt ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Thời gian không còn nhiều. Để giữ cho mục tiêu tăng 1,5 độ khả thi và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, thế giới phải hành động ngay với vấn đề năng lượng.”

Liên minh Châu Âu cũng dự kiến sẽ công bố một gói các biện pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng. Theo đó, Ủy ban Châu Âu sẽ đề xuất các quy tắc yêu cầu các quốc gia chỉ định những khu vực có thể triển khai dự án năng lượng tái tạo, giảm thiểu tối tác động tiêu cực tới môi trường. Việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ giúp Liên minh Châu Âu cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 27 quốc gia thành viên của khối đã nhất trí giảm tổng lượng phát thải ròng khí thải vào năm 2030 xuống 55% so với mức của năm 1990. Đây là bước đi cần thiết của Liên minh châu Âu nhằm hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

NỖ LỰC BẢO VỆ VÀ PHỤC HỒI ĐẤT

Đất đai cung cấp cho con người 99,7% thực phẩm chúng ta ăn, đồng thời cũng cung cấp nước uống cho chúng ta - chất lượng nước chúng ta có được là từ đất và hệ sinh thái của đất. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Cạnh tranh về đất đai đang ngày một nóng lên và sẽ ngày càng khiến con người đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn trong tương lai về việc nên dành đất để trồng hoa màu, sản xuất lương thực, hay ưu tiên trồng rừng hấp thụ CO2 hoặc thúc đẩy việc bảo tồn đa dạng sinh học. Dù có thế nào thì con người vẫn phải đầu tư vào phục hồi đất đai như một cách cải thiện sinh kế, giảm thiểu các lỗ hổng làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu và giảm rủi ro cho nền kinh tế.

Bà KATHLEEN ROGERS - Chủ tịch Earthday.org: “Chúng tôi đang đầu tư nhiều hơn vào công tác giáo dục để mọi người hiểu hơn về tầm quan trọng của đất đai, hệ sinh thái… Nhưng chúng tôi cũng cần sự chung tay của các chính phủ và các tổ chức”.

Hoạt động khôi phục đất đai và các hệ sinh thái rừng bao gồm việc trồng lại cây tại khu vực đất rừng cũ và cải thiện tình trạng của các khu rừng bị suy thoái. Liên hợp quốc mới đây cho biết thế giới cần phải khôi phục ít nhất một tỷ ha đất bị thoái hóa trong thập kỷ tới. Diện tích này tương đương với đất nước Trung Quốc. 

Ông TIM CHRISTOPHERSEN - Trưởng ban Tự nhiên phụ trách khí hậu của Chương trình Môi trường LHQ: Chúng tôi hoan nghênh tất cả các cam kết. Một tỷ ha là rất nhiều và rất khó để có thể khôi phục, nhưng chúng tôi hoan nghênh mọi người, tổ chức, công ty, chính phủ, thành phố muốn trở thành một phần của nỗ lực này, đặc biệt là có rất nhiều tổ chức đã bắt tay vào hành động ngay lập tức.”

Trên thực tế, đã có nhiều dự án khôi phục đất đã được các quốc gia và các tổ chức thực hiện. Tại Iraq, một dự án “trồng rừng” đang được thực hiện để làm chậm quá trình sa mạc hóa ở quốc gia vốn bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu này. Tình trạng hạn hán kéo dài cũng như nhiệt độ khắc nghiệt đang khiến cho nhiều vùng đất đai rộng lớn của Iraq trở nên khô cằn và hầu như không thể sinh sống được trong những tháng mùa hè. Ở gian đoạn một, dự án đã trồng được khoảng 24.000 cây xanh. 

Ông ADEL MALIK MESHRIF - Kỹ sư giám sát dự án: “Dự kiến sau khi hoàn thành, diện tích của các vành đai xanh sẽ dài khoảng 250 km và rộng khoảng 100 mét. Dự án này đã, đang và sẽ góp phần cải thiện môi trường cũng như chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, nó còn giúp giải quyết vấn đề việc làm.”

Việc trồng cây xanh để làm chậm quá trình sa mạc hóa rất có triển vọng. Từ năm 2007, dự án Vạn Lý Trường Thành Xanh của Châu Phi đã được khởi công, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ khôi phục dải đất rộng 5000 mét.

Trong khi đó, , Re:wild - Tổ chức phục hồi thiên nhiên toàn cầu đã công bố kế hoạch bảo vệ và khôi phục 100.000 ha đất vào năm 2030. Các địa điểm được xác định để phục hồi đất bao gồm hệ thống hồ ở Sulawesi, một khu vườn cộng đồng ở Maroc, Madagascar và Haiti, những nơi từng được rừng nguyên sinh bao phủ tới 60% vào năm 1920 mà hiện nay chỉ còn 1%. 

Tiến sỹ ROBIN MOORE - Phó Giám đốc Truyền thông của Re:wild: “Các khu vực mà chúng tôi tập trung vào việc bảo vệ và phục hồi là những khu vực có các điểm nóng về đa dạng sinh học. Chẳng hạn lấy Haiti làm ví dụ. Dãy núi mà chúng tôi đang nỗ lực bảo vệ là nơi sinh sống của rất nhiều loài mà nếu mất đi sẽ không thể thay thế được. Nếu đánh mất ngọn núi đó, chúng ta sẽ mất đi nhiều loài hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi phải xem xét tới tính không thể thay thế, nếu chúng ta muốn bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học của hành tinh này thì chúng ta thực sự phải tập trung vào những khu vực là những nơi có đa dạng sinh học rộng lớn như vậy.”

Cùng với việc trồng cây, hoạt động này còn bao gồm việc bảo tồn các loài động thực vật hoang dã cũng như bảo vệ đất và các nguồn nước thuộc hệ sinh thái rừng./.

BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Theo dữ liệu từ Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa, hơn 8.400 loài động vật và thực vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi gần 30.000 loài khác được coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương. Dựa trên những ước tính này, hơn một triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong khi đó, theo Báo cáo Sức sống hành tinh 2020 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, trong chưa đầy nửa thế kỷ, hai phần ba quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm.

Động vật hoang dã trên thế giới đối mặt với nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, sự thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắn, buôn bán trái phép. Sự mất mát liên tục của các loài, môi trường sống và hệ sinh thái đe dọa tất cả sự sống trên Trái Đất. Thực trạng cấp bách này đặt ra yêu cầu cần phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới.

Bà WALLIS ANNENBERG - Nhà hoạt động xã hội – từ thiện: “Chúng ta có thể chia sẻ trái đất này, thay vì tuyên bố chủ quyền và thống trị nó. Chúng ta có thể cùng tồn tại bên cạnh tất cả các loại động vật hoang dã, thay vì mở rộng nơi ở của mình và thu hẹp nơi ở của chúng.”

Mới đây, trong nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã khỏi tai nạn giao thông, Liên đoàn động vật hoang dã quốc gia Hoa Kỳ và Tổ chức bảo tồn núi Santa Monica đã khởi công xây cầu vượt lớn nhất thế giới, cung cấp lối đi an toàn từ dãy núi Santa Monica, băng qua đường cao tốc, tới đồi Simi cho sư tử núi, chó sói đồng cỏ, linh miêu, hươu, rắn… Điều này đặc biệt tốt cho sư tử núi do chúng cần lãnh thổ rộng lớn, việc bị cô lập bởi nhiều đường cao tốc đông xe cộ qua lại xung quanh đã dẫn tới giao phối cận huyết và thiếu đa dạng di truyền.

Bà BETH PRATT - Giám đốc điều hành khu vực Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc gia Hoa Kỳ:Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Los Angeles, nó cũng không phải là một câu chuyện của riêng California. Tôi tin rằng thế giới có thể được truyền cảm hứng từ câu chuyện này, nếu chúng tôi có thể bảo vệ cho sư tử, mọi người cũng có thể làm được nhiều việc hơn cho các loài động vật hoang dã ở mọi nơi.”

Bà TIFFANY YAP - Trung tâm đa dạng sinh học Hoa Kỳ: Điều này thực sự quan trọng, vì từ năm 2016 đến năm 2020, đã có 44.000 vụ va chạm với động vật hoang dã được báo cáo trên các con đường ở California, gây ra thương tích cho con người và thiệt hại tài sản lên tới hơn một tỷ đô la. Vậy chúng ta có thể giúp chúng có đường đi riêng, cũng như giúp chính chúng ta được an toàn hơn khi lái xe.”

Cây cầu sẽ hòa lẫn với không gian xung quanh, bao phủ bằng đất và cây cỏ tự nhiên. Hiệp hội núi Santa Monica cũng đã tạo ra một vườn ươm thực vật đặc biệt để trồng mọi thực vật dùng để che phủ cây cầu khi dự án gần hoàn thành vào năm 2025.

Một trong những hành động được đặc biệt quan tâm và triển khai trong vấn đề này là kiểm soát buôn bán động vật hoang dã; tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc và tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Hoạt động này diễn ra thường xuyên ở khắp nơi trên thế giới, và những nỗ lực của những người yêu động vật đã và đang góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều loài động vật hoang dã, làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học.

Hồng Nhung