• 1480 lượt xem
  • 17:45 29/07/2022
  • Kinh tế

Thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách giảm nghèo của Chính phủ

Sẽ có thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025. Đây là thông tin được chia sẻ tại Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 sáng 28/7 tại Hà Nội.

Báo cáo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê - Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban Dân tộc và chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện. 

Theo báo cáo công bố, Việt Nam đã đạt được các kết quả ấn tượng về giảm nghèo trong thập kỷ qua. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể từ 18,1% năm 2012 xuống 10,99% năm 2016 và 44% năm 2020. Thành tựu giảm nghèo đã được thúc đẩy bởi những bước tiến tích cực cả ở 3 trụ cột chính bao gồm: Mở rộng nhanh chóng việc làm năng suất; cải thiện đáng kể tiếp cận các dịch vụ xã hội và hệ thống trợ giúp xã hội. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt tình trạng nghèo về thu nhập tạm thời tăng trong thời kỳ Covid-19.

Ông TÔ ĐỨC, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đã có nhiều hộ nghèo đã không thoát được nghèo, thậm chí tái nghèo, đối với người dân nói chung, đặc biệt người nghèo, trong bối cảnh Covid có nhiều thách thức, nhất là giảm thu nhập, thiếu việc làm và mất việc làm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo.”

Báo cáo cũng cho thấy với chuẩn nghèo đa chiều mới được phê duyệt năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Việt Nam sẽ tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022), đồng nghĩa với thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

Ông HÀ VIỆT QUÂN, Chánh Văn phòng Điều phối CTMTQG 1719, Ủy ban Dân tộc: “Chúng ta có cơ hội để chia ra nhưng loại hình chính sách, như đối với nghèo nào cần sử dụng nhiều chính sách phát triển, chính sách giảm nghèo, nhóm nào cần sử dụng nhiều bảo trợ xã hội, hay về nhóm về cứu trợ xã hội. Bản thân trong nhóm nghèo đó có cơ hội chia ra đối tượng cụ thể để có can thiệp chính sách cho nhóm cụ thể đó.”

Qua phân tích các chuyên gia đã chỉ ra được những tồn tại căn bản, các nguyên nhân chính của nghèo đa chiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó đề xuất ra các phương hướng, biện pháp, công cụ hữu hiệu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện thành công Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, chính sách dân tộc khác.

Như Thảo