Thí điểm dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân ngoài trại giam

Vừa qua Bộ Công an đã trình Dự thảo nghị quyết về thí điểm tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam với mục đích tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.

Tại phiên họp của thường trực Uỷ ban Pháp Luật cũng như phiên họp toàn thể của uỷ ban các ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan trình làm rõ tính phù hợp của nghị quyết với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

Ủng hộ việc Chính phủ, Bộ công an, thể chế hoá chủ trương của Đảng như nghị quyết số 08 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp trong thời gian tới; chỉ thị số 09 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới trong đó khuyến khích việc chủ động phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục, giúp đỡ, cảm hoá người vi phạm pháp luật, tái hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc quy định trong dự thảo nghị quyết có phù hợp với các quy định về chế độ lao động và các cam kết của Việt Nam theo công ước số 29 của Tổ chức lao động quốc tế ILO về xoá bỏ lao động cưỡng bức.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THUỶ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: Trên trang web chính thức của ILO thì phân biệt lao động cưỡng bức hay không thì phụ thuộc vào quyền tự do đồng ý của người lao động bằng văn bản thì chúng ta cũng phải xem xét mô hình lao động ngoài trại giam này có phù hợp hay không.

Thiếu tướng LÊ QUỐC HÙNG - Thứ trưởng Bộ Công an: Phạm nhân muốn lao động đều phải có đơn hết, đơn tự nguyện, nhưng mà chúng tôi muốn không dài dòng nên đưa quy định này vào của Chính phủ, thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện các nghị định, chứ không vướng gì, các đồng chí hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.

Về chính sách thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào công tác thi hành án phạt tù, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số nội dung về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm đảm bảo được quyền lợi của họ khi kết thúc thí điểm, bởi việc đầu tư nguồn lực cho lao động ngoài trại giam khá lớn. 

Ông TÔ VĂN TÁM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Tất cả cơ sở vật chất nếu doanh nghiệp đầu tư vào thì khi đầu tư lớn, sau 5 năm làm thí điểm nếu được sửa luật và chấp nhận làm thì không có vấn đề gì, nếu như không được làm được thì không thu được số vốn ban đầu thì chúng ta cần tính toán chỗ này.

Theo đề xuất của Bộ công an: Dự kiến thực hiện thí điểm không quá 25 trại giam thuộc Bộ Công an; căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động của tổ chức cá nhân hợp tác, trại giam bố trí phạm nhân đưa ra lao động không quá 20% tổng số phạm nhân trại giam quản lý, thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm.

Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 7 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc vào ngày 18/01 tới, sẽ xem xét đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Thùy Linh