• 2473 lượt xem
  • 15:46 01/09/2022
  • Xã hội

Thi trượt lớp 10, chuyển sang học nghề: Tại sao không?

Hiện nay, dù công tác xét tuyển và công bố thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 đã được các trường THPT trên toàn tỉnh Đắk Nông hoàn tất, thế nhưng có không ít học sinh vẫn chưa tìm được nơi học. Để không lặp lại tình trạng này trong các năm sau, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông cần được thực hiện hiệu quả hơn.

Anh K’Thiền, ở xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong có con trai là K’Thông nộp hồ sơ xét tuyển vào trường THPT Đắk Glong nhưng không trúng tuyển đợt 1. Không riêng gì con trai anh, gần 150 trường hợp khác cũng chung cảnh ngộ nên gia đình đã tính đến chuyện cho con ra thành phố đi làm. May mắn, sau khi nhà trường được giao thêm chỉ tiêu, con trai anh đã trúng tuyển đợt 2.

Anh K’THIỀN, Xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông: "Gia đình cũng rất vui mừng, rất phấn khởi khi cháu đã được xét tuyển đợt 2 vào trường cấp 3 của huyện mình. Gia đình sẽ cố gắng chăm lo cho cháu nó học hành tấn tới."

Tình trạng nhiều học sinh “trượt cấp 3” được cho là do năm 2007 có tỷ lệ trẻ sinh cao hơn nên số lượng hồ sơ xét tuyển, tỷ lệ cạnh tranh tăng vọt. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh thì được UBND tỉnh phê duyệt từ năm học trước. Tình trạng thừa hồ sơ xét tuyển và phải xin thêm chỉ tiêu xảy ra ở hầu hết các địa phương

Ông LÊ VĂN HÀ, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông: "Đối với học sinh không được tuyển vào thì nhà trường cũng tư vấn cho các em học nghề, phân luồng và tư vấn cho các em vào các trường ở Gia Nghĩa để các em có điều kiện vừa học vừa làm để sau này các em có thể tốt nghiệp hoặc tiếp tục việc học cho tương lai."

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 10.000 học sinh hoàn thành bậc THCS. Theo đề án tuyển sinh thì 70% học sinh trong số này sẽ được định hướng học tiếp bậc học THPT, tuy nhiên UBND tỉnh đã phê duyệt tuyển sinh khoảng 8.000 em để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh tại các trường THPT đã hoàn tất, những em không trúng tuyển, được tư vấn để học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.

Ông PHAN THANH HẢI, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông: "Chúng tôi cũng đã tư vấn và trên cơ sở đó cũng phân tích số liệu để tham mưu UBND tỉnh cân nhắc số lượng tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và trên cơ sở phân luồng. Tâm lý của phụ huynh luôn luôn là muốn con em mình vào học tại các trường THPT. Nhưng thực tế thì một số em có năng lực chưa thực sự tốt cũng nên định hướng cho con em mình vào Trung tâm giáo dục thường xuyên để phân luồng sớm theo giáo dục nghề nghiệp như vậy sẽ tốt hơn."

Để chủ động về công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ngành giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ. Việc học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, thi đậu tốt nghiệp, các em sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT không khác gì với học sinh học ở các trường THPT công lập.

Phúc Hân