Thiếu "nhạc trưởng" trong quản lý tài sản công, Hà Nội nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả

Hà Nội là một trong 5 địa phương được giao quản lý khối tài sản công là nhà đất rất lớn, trong khi hệ thống pháp luật và mô hình quản lý tài sản công đến nay chưa phù hợp. Điều này dẫn đến việc sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Qua chuyên đề giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đưa kiến nghị về việc xem xét nghiên cứu mô hình quản lý tài sản công phù hợp hơn.

Qua giám sát thực tế về việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà đất thuộc sở hữu thành phố, Đoàn giám sát đã nhận thấy một số tồn tại hạn chế của các sở ngành với trách nhiệm quản lý nhà nước và 6 công ty quản lý nhà của Hà Nội. Vướng mắc, tồn tại lớn nhất là quản lý quỹ nhà chuyên dùng. Với đặc thù được hình thành qua nhiều thời kỳ, không có hồ sơ lưu trữ, không có cơ sở dữ liệu, trong khi thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực này không có bộ phận chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm nên công tác quản lý chưa bao quát, dẫn đến thất thoát, lãng phí. Ý kiến từ các sở, ngành thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố thừa nhận những tồn tại hạn chế này, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu hệ thống các quy định pháp luật cần thiết của Nhà nước, một phần cần thay đổi cơ chế quản lý hiện nay, theo hướng giao trách nhiệm cho một đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm

Ông HÀ MINH HẢI, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội: “Kiến nghị đề xuất các sở, giải pháp thành phố, tiến hành ra soát lại toàn bộ cơ chế chính sách. Thành phố đã nhận diện ra và đề xuất nhiều lần với Bộ Tài chính và hiện Bộ tài chính đã tham mưu chính phủ đưa ra Nghị định về quản lý quỹ nhà chuyên dùng.” 

Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, do việc quản lý tài sản công dàn trải, phân tán, nên có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Trong khi đó, việc giao trách nhiệm quản lý nhà chuyên dùng cho các công ty quản lý nhà, nhưng lại không giao vốn, cũng là những bất cập cần thay đổi để quản lý tốt hơn.

Bà PHÙNG THỊ HỒNG HÀ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân Hà Nội: “Câu chuyện tồn tại không chỉ Ủy ban nhân dân mà các ngành, chúng ta đang thiếu nhạc trưởng trong quản lý tài sản công. Chúng ta cần nghiên cứu lại mô hình quản lý công ty nhà hiện nay, giao tài sản nhưng không giao vốn, thì việc duy tu, bảo dưỡng lại lấy từ ngân sách, điều này là hết sức bất cập."

Bà Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố, bắt tay xây dựng ngay cơ sở dữ liệu tài sản công là quỹ nhà, đất, bổ sung những dữ liệu còn thiếu kịp thời báo cáo để hoàn thiện trình tại kỳ họp hội đồng nhân dân thành phố sắp tới.

Anh Tuấn