Thống nhất Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự, không để 1 nhiệm vụ có tới 2 - 3 đầu mối

Một trong những nội dung trong dự án Luật Phòng thủ dân sự đặt ra là quy định để thống nhất cơ quan chỉ đạo, chỉ huy ở Trung ương và địa phương, bởi ngay ở Trung ương hiện nay đang tồn tại 3 tổ chức chỉ đạo có liên quan đến phòng thủ dân sự, trong khi đó, các thành viên tham gia lại là đại diện các bộ ngành. Đây là điều gây ra khó thông suốt, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Để kịp thời tìm kiếm cứu nạn đối với vụ rơi máy bay trên vịnh Hạ Long, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời tham mưu, chỉ đạo các lực lượng phối hợp tìm kiếm. Đây chỉ là một trong những chức năng của cơ quan này nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai hiện nay lại làm nhiệm vụ điều phối liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Còn Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia thì có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ tổng quát hơn, để bảo đảm phòng, chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đã được thành lập từ tháng 7/2020 và họp Phiên thứ nhất vào tháng 3/2023. Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng Ban thường trực là Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các ủy viên gồm nhiều thành viên là người đứng đầu các ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Y tế, TN&MT… Đây đều là các bộ tham gia Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do đó gây chồng chéo về công tác chỉ đạo, đặt ra cần thống nhất làm một trong Luật Phòng thủ dân sự.

Tính đến tháng 3 năm nay, đã có 58/63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Do đó, việc hợp nhất các ban chỉ đạo, ban chỉ huy ở cả cấp Trung ương và địa phương là cần thiết, nhằm thu gọn đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nhật Huy