Thứ trưởng Bộ Công an: "Cơ cấu tội phạm hậu Covid rất phức tạp"

Ngày 09/09, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thế lần thứ 7 để thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ, của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về công tác phòng chống tội phạm, công tác tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành đề ra nhiều giải pháp để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn khi một số loại tội phạm gia tăng, có tính chất phức tạp và hiệu quả trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm

Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: "Nói thật là qua hai năm vừa rồi, đặc biệt cả cái năm vừa rồi, chúng ta cảm thấy không yên tâm, đi ra đường cũng phải cảnh giác, ở nhà cũng phải cảnh giác cho bản thân và gia đình. Tôi nói ví dụ, tội phạm trên mạng nó đi thẳng vào giường ngủ, vào bàn ăn của mình rồi, điện thoại của mình hàng ngày nhận được bao nhiêu cú lừa đảo"

Trung tướng NGUYỄN DUY NGỌC, Thứ trưởng Bộ Công an: “Chúng tôi phải thừa nhận cơ cấu của tội phạm hậu covid đang rất phức tạp ở một số nhóm tội danh. Chúng tôi sẽ tích cực để có những biện pháp, nhưng quan trọng nhất, là phải đồng bộ ở tất cả các tổ chức đoàn thể, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, và lực lượng công an là nòng cốt, vừa tuyên truyền, vừa đấu tranh, vừa phòng ngừa, vừa triệt phá, mới đáp ứng được tình hình mới…”

Trong công tác của ngành Tòa án, nhiều đại biểu băn khoăn về tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong tham gia các vụ án hành chính, thi hành án hành chính.

Đại biểu TRẦN VĂN TUẤN, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang: “… Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Tòa án cũng đã nhấn mạnh tình trạng của Ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân hoặc người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án là rất phổ biến, kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho Tòa án trong giải quyết vụ án hành chính, bức xúc cho đương sự. Tôi thấy đây là vấn đề rất đáng quan ngại…”

Ông PHẠM QUỐC HƯNG, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: “..57/63 báo cáo của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trong báo cáo của mình thể hiện việc trên thực tế việc cung cấp chứng cứ của Ủy ban nhân dân cho Tòa án là khó khăn. 60/63 báo cáo đề cập việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân không tích cực tham gia vào quá trình giải quyết án hành chính của Tòa án…”

Trong phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm góp ý vào nhiều vấn đề khác như công tác phòng, chống tham nhũng; chất lượng hoạt động của cán bộ các cơ quan tư pháp; việc thực hiện ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, xét xử…

Thế Anh