Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo

Ngày 4/3, chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đây cũng là việc khó, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, do đó cần có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe dự thảo tờ trình; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, báo cáo thẩm tra về 5 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận về trình tự, thủ tục; những điểm nghẽn, bất cập mà các luật cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật; đối tượng, tác động từ các quy định của các dự án luật; tính khả thi trên quan điểm ban hành luật không chỉ để quản lý mà tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật, nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật để trình Quốc hội xem xét.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Trong quá trình xây dựng pháp luật, nếu thấy vấn đề nào còn vướng mắc thì phải bổ sung để giải quyết; vấn đề gì mới phát sinh nổi lên thì tiếp tục cập nhật; những vấn đề, nội dung đã có nhưng lạc hậu với tình hình thì phải chỉnh sửa. 

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực vào phát triển; bao quát được tất cả các đối tượng mà luật điều chỉnh; phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát và phân bổ nguồn lực; giảm được thủ tục hành chính, đảm bảo việc thực hiện pháp luật có hiệu quả nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tôi đề nghị là các thành viên Chính phủ, các cơ quan, các đồng chí thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ đầu tư vào công tác này; hỗ trợ cùng với các cơ quan trình, cơ quan thẩm định. Các đồng chí cứ ghi nhận về rồi đồng ý luôn thì không có hiệu quả. Như hôm nay, các đồng chí có những đồng thuận rồi, cùng thống nhất cao thì phát biểu nhưng có những cái chúng ta thấy cần phải trao đi, đổi lại thì mới rõ. Các đồng chí phát biểu thì kể cả tôi thấy là khi các đồng chí phát biểu nó mới vỡ ra được vấn đề. Báo cáo với các đồng chí, các đồng chí đều có kinh nghiệm cả. Muốn có ý kiến có chất lượng là phải đầu tư, phải làm việc rất là nhiều.”

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; việc xây dựng pháp luật là việc khó, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, do đó cần có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam