• 3142 lượt xem
  • 04:35 21/04/2022
  • Văn hóa

Thừa Thiên - Huế: Nghiên cứu thí điểm Xã hội hóa quản lý di tích

Đoàn công tác của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Một trong những nội dung trọng tâm được tập trung thảo luận, phân tích là công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương này trong thời gian tới.

Đến thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung hoàn thành lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn lâp quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Công tác trùng tu di tích được tập trung triển khai. Năm 2022 được bố trí vốn trên 85 tỷ đồng, tỉnh tập trung cho các dự án: tôn tạo di tích Thái Miếu, chiếu sáng mỹ thuật di tích Ngọ Môn…

Hiện nay, bài toán khó nhất của tỉnh là huy động nguồn lực để bảo tồn di sản, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân sách. Việc giải quyết hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển gặp khó khăn khi sức ép đô thị hóa, mật độ dân cư sống trong lòng di sản là rất lớn.

NGUYỄN VĂN PHƯƠNG – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Nếu không có Chính phủ, Bộ ủng hộ, đề xuất trong công tác bảo tồn di sản thì không biết làm sao, thời gian qua nguồn lực Quốc hội phân bổ cho Huế rất là nhiều. Chúng tôi lấy đó làm động lực, động cơ để phấn đấu”.

Bà LÊ THỊ THU HIỀN – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch: “Hiện nay, chúng ta đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch trong năm 2020. Đề nghị cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tu bổ bảo tồn di tích Cố đô Huế, trong đó nội dung quản lý hộ dân nằm trong di tích chúng ta đưa vào quy hoạch này để có cơ sở triển khai”.

Ông HOÀNG ĐẠO CƯƠNG – Thứ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch: “Các đồng chí đề nghị quy hoạch bảo tồn di tích là 1.600ha nhưng chúng tôi chỉ đề nghị khoảng 600-800ha. Vì chúng tôi muốn có sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Nếu chúng ta để 1.600ha như vậy thì khi triển khai chúng ta không thể phát triển được”.

Bộ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao việc Thừa Thiên - Huế là địa phương điển hình trong công tác bảo tồn di sản. Lưu ý địa phương tiếp tục nghiên cứu tham vấn kỹ tài liệu, các nhà khoa học trong quá trình trùng tu, không để xảy ra sai sót dù là một chi tiết nhỏ.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Chúng ta nói đến di sản nhưng lại mâu thuẫn về nguồn lực dù đã có nghị quyết của Trung ương – Chính phủ, cơ chế của Quốc hội nhưng vừa rồi họp thì mới có nghị quyết. Để có nguồn lực tạo ra nguồn thu rồi để lại trùng tu. Nhưng trùng tu di sản là một bài toán khoa học, không giống như thay một ngôi nhà. Bởi yếu tố gốc là quan trọng, không hiểu cái này là hỏng ngay”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu thí điểm đề án xã hội hóa công tác quản lý di tích trong thời gian tới. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng đồng ý chủ trương phân bổ vốn đề trùng tu Văn Miếu Huế theo kiến nghị của lãnh đạo tỉnh.

Tiểu Bảo