• 4606 lượt xem
  • 05:24 25/04/2022
  • Kinh tế

Thúc đẩy chuyển đổi số, các chuyên gia kỳ vọng có luật về dữ liệu

Phát triển các nền tảng số trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống là yếu tố quan trọng và tất yếu để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng như thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tuy nhiên sự phân mảnh dữ liệu như hiện nay đang là cản trở lớn nhất khiến chuyển đổi số vẫn chậm so với tiềm năng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có công cụ pháp lý để điều chỉnh vướng mắc.

Phát triển ứng dụng số hoá trong lĩnh vực bất động sản trên nền tảng điện thoại di động đang là công cụ hữu hiệu được các nhà môi giới bất động sản tin dùng. Nền tảng này có thể giúp người dùng có những thông tin về mua bán, cho thuê, sang nhượng tại 63 tỉnh thành phố. Ứng dụng này đã làm tăng khả năng minh bạch trên thị trường bất động sản khi tất cả các thông tin của chủ đầu tư đều được công khai để khách hàng dễ dàng kiểm chứng, so sánh.

Ông HÀ TUẤN KHANG - Giám đốc trung tâm công nghệ Marketing, Công ty cổ phần Tập đoàn Meeyland: “Chúng tôi đang rất nỗ lực cộng tác và làm việc với nhiều cơ quan về chuyển đổi số. Trong đó có chuyển đổi số trong tra cứu quy hoạch, giúp dễ dàng hơn trong tra cứu. Chúng tôi tới các cơ quan địa chính có thẩm quyền của từng tỉnh, thành phố để lấy thông tin cụ thể, từ đó số hóa đưa lên nền tảng, đảm bảo được tính chính xác và tính minh bạch."

Tuy nhiên việc phân mảnh dữ liệu trong các ngành nghề hiện nay đang là 1 cản trở cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, gây lãng phí, không hiệu quả. Do vậy, nhiều doanh nghiệp còn e ngại chuyển đổi số.

Ông LÊ TRỌNG TUẤN - Giám đốc Kinh doanh Novaon Tech: Mong muốn Chính phủ ưu tiên câu chuyện kết nối. Kết nối gồm hai phần: Kết nối các doanh nghiệp cùng ngành hàng, cùng nhóm ngành với nhau. Chuyển đổi số không chỉ một doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp cung cấp giải pháp là có thể làm được. Như câu chuyện về nền tảng, phần mềm không thể làm được hết mà còn liên quan đến logistic, tài chính, thanh toán. Lúc đó, hỗ trợ doanh nghiệp mới hiệu quả.

Bản chất của kinh tế số và các nền tảng số để có thể phát triển được buộc phải có dữ liệu. Tuy nhiên tại Việt Nam vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, gây cản trở cho cả nhà nước và doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Những vấn đề lạm dụng dữ liệu hay từ chối chia sẻ dữ liệu đang xảy ra và chưa được điều chỉnh bởi chính sách pháp luật. Theo các chuyên gia, Luật An toàn dữ liệu sẽ bao trùm hơn cả Luật An ninh mạng hay Luật An toàn thông tin. 

Ông VÕ TRÍ THÀNH - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương: Hiện nay, nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng là dữ liệu. Có những văn bản pháp lý dưới luật mà chúng ta đã có hoặc chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục xây dựng liên quan đến vấn đề dữ liệu. Điều mà chúng tôi mong muốn trong thời gian tới đó là xây dựng được luật về dữ liệu."

Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu trong khu vực ổn định và thịnh vượng; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Với mục tiêu cụ thể đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật là rất cần thiết để làm đòn bẩy cho quá trình chuyển đổi này.

Hải Yến