Thực hiện sáp nhập: Công tác cán bộ phải đi trước một bước

Bên cạnh câu chuyện lãng phí cơ sở vật chất, vấn đề sắp xếp cán bộ dôi dư cũng đang khiến các địa phương “đau đầu”. Một trong những mục tiêu đặt ra khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính là tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ. Tuy nhiên, công tác cán bộ là một trong những vấn đề nổi cộm khi tiến hành sắp xếp, dễ ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ...

Từng là một trong những đội viên của Dự án trí thức trẻ theo Nghị quyết 30a, được bố trí làm việc ở xã Cần Nông. Sau sáp nhập, anh Huy thuộc diện cắt giảm đã về nghỉ 2 năm nay. Vợ anh được điều động sang công tác tại UBND huyện Hà Quảng cách nhà 50km nên ngoài những lúc đi làm công trình tư nhân, anh Huy ở nhà quán xuyến, chăm sóc cho các con.

Anh NÔNG QUANG HUY, Thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: “Sau khi tri thức trẻ 30a được Nhà nước cho về nghỉ khó khăn nữa là có những bạn không có chuyên môn nên không thể đi làm ngoài được. Như tôi có thể đi làm ngoài nhưng nhiều người thì không nên công ăn việc làm cũng khó.”

Anh Huy chỉ là một trong số rất nhiều cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Đến nay, tại Hà Quảng, với 9 xã sáp nhập còn dôi dư khoảng 140 cán bộ và khoảng 40 viên chức, công chức. Không chỉ khó khăn trong sắp xếp cán bộ dôi dư, việc thu hút và đào tạo lớp kế cận cũng là vấn đề nhiều trăn trở.

Bà NGUYỄN LÂM THỊ TÚ ANH, Bí thư Huyện uỷ Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: “Về lâu dài sẽ có sự hụt hẫng, thiếu hụt cán bộ. Bởi vì chắc chắn trong thời gian đang có rất nhiều biên chế thì trong thời gian rất dài sẽ không tuyển dụng được cán bộ mới. Ai sẽ là lớp kế cận đây? Đơn cử như chúng tôi đang tổ chức đại hội Đoàn thanh niên khoá mới nhưng tìm cán bộ trong độ tuổi đoàn tham gia rất khó vì không có nguồn tuyển mới.”

Hiện toàn tỉnh Cao Bằng còn khoảng 220 cán bộ dôi dư, chưa kể số lượng cán bộ cấp xã phải cắt giảm theo Nghị định 34 của Chính phủ và công an cấp xã. Việc bố trí, sắp xếp cho đội ngũ này dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành.

Ông TRẦN HỒNG MINH, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: “Thời gian qua tỉnh rất nỗ lực sắp xếp, bố trí cán bộ dư thừa từ nơi thừa sang nơi thiếu. Vận dụng giải quyết chế độ chính sách. Đề nghị Trung ương tiếp tục cân đối ngân sách để đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách với cán bộ, công chức, viên chức của xã theo lộ trình sắp xếp cấp huyện, xã.”

Rõ ràng tinh giản biên chế, cắt giảm cán bộ công chức, viên chức là điều không ai mong muốn. Giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư hợp lý, thỏa đáng cần tính toán kỹ lưỡng bởi đây chính là mấu chốt tạo sự ổn định của đơn vị sau sáp nhập. 

Hà Lan