Thực hư việc siết tín dụng bất động sản

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,58 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 1 phần 4 tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Thế nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu khó tiếp cận vốn. Vậy cụ thể vòng quay tiền đang mắc kẹt ở đâu? Để trả lời câu hỏi này, sáng 8/2, NHNN đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Gần 20 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường tham dự hội nghị đã nêu lên những khó khăn về vốn vay ngân hàng mà họ đang gặp phải. Và trong những lý do liên quan đến tài sản đảm bảo, bởi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường. Để không bị liệt vào danh sách nợ xấu, thì vấn đề giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại các khoản vay đến hạn cũng là đề xuất được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn nêu lên.

Phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cho rằng, nếu có cơ chế đặc thù cho bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ. Mặt khác lĩnh vực bất động sản chủ yếu là vay trung, dài hạn, trong khi phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng là ngắn hạn, vì vậy cần tiếp tục khơi thông những điểm nghẽn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển trong thời gian tới.

Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng hơn 24,27% so với cuối năm 2021 và là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng. Nguồn vốn chảy vào bất động sản thời gian tới sẽ tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo pháp lý. Còn phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn sẽ kiểm soát chặt rủi ro.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Anh Tuấn