Tỉ mỉ những họa tiết trang trí trên trang phục người Mông Hoa - Từ sản phẩm gia đình đến sản phẩm quảng bá du lịch

Người Mông Hoa ở Lào Cai sống tập trung nhiều nhất tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương. Đời sống văn hóa của người Mông hoa rất phong phú, đa dạng. Người Mông hoa được biết đến với nghề truyền thống dệt may, thêu thùa với các công đoạn làm thủ công rất tỉ mỉ, tạo ra những bộ trang phục nhiều màu sắc rực rỡ.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục Mông Hoa đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia. 

Để làm được một bộ trang phục của người Mông mất rất nhiều thời gian và công sức. Chính vì vậy mà phụ nữ người Mông ở vùng cao, ai cũng phải biết đến dệt may và thêu thùa để tự làm ra những bộ trang phục của dân tộc. Vào dịp giáp Tết hay những lúc rảnh rỗi, phụ nữ Mông lại tập trung may, thêu trang phục cho mình và gia đình.

Em SÙNG THỊ XOA,Thôn Hấu Dào, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai: “Một cái truyền thống của mình cũng rất là tố đẹp, phổ biến nhất là nghề thêu thổ cẩm của mình. Cái này thì chúng ta nên truyền lại dạy bảo cho lớp trẻ, thế hệ sau này.”

Khâu tạo hoa văn, họa tiết rất cầu kỳ và bằng nhiều cách khác nhau. Đặc biệt là phần trên của chiếc váy, người Mông hoa tạo họa tiết bằng cách vẽ sáp ong rất tỉ mỷ. Công việc này đòi hỏi phải là người có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết nhất định về các hoa văn truyền thống. Đây cũng là bí quyết mà bao đời nay người Mông hoa đã sử dụng vẽ sáp ong. Qua thực tiễn lao động sản xuất với sự quan sát tinh tế, người phụ nữ Mông đã khái quát những hình ảnh quen thuộc thành những hình tượng giàu tính nghệ thuật, thẩm mỹ.

Bạn HÀ THẢO, Du khách Hà Nội: “Mình ấn tượng với hình ảnh một người phụ nữ ngồi dệt, rất khéo léo và kỹ thuật điêu luyện. Mình nghĩ là bây giờ ít có người làm như vậy.”

Ngoài việc làm ra sản phẩm phục vụ gia đình, một số hộ dân nắm bắt được nhu cầu của du khách, tận dụng được tiềm năng sẵn có ở địa phương, họ còn mạnh dạn đầu tư phát triển, sản xuất các sản phẩm du lịch từ nghề truyền thống để bán cho du khách, vừa mang lại nguồn lợi cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương.

Ông DƯƠNG TUẤN NGHĨA, Trưởng phòng quản lí di sản, Sở VH-TT-DL Lào Cai: “Trang phục bị mất đi hoặc là nó bị đồng hóa đi, tức là dân tộc nào cũng giống dân tộc nào thì khi ra chúng ta sẽ không thể phân biệt được. Thế thì chúng tôi đang tích cực cùng với chính quyền địa phương thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn cho địa phương làm sao tuyên truyền cho đồng bào hiểu được giá trị cũng như vai trò của trang phục đối với đồng bào mỗi dân tộc.”

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương góp phần không nhỏ để bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp trong văn hóa của đồng bào các dân tộc đã và tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống, biến di sản thành tài sản, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. 

Thực hiện : Vũ Thắng Hồng Ngọc