• 1199 lượt xem
  • 14:59 02/02/2023
  • Xã hội

Điểm báo sáng 2/2: Tiền công đức ở đền, chùa...sẽ được quản lý thế nào?

Tiền công đức ở đền, chùa...sẽ được quản lý thế nào?; Giảm điểm ưu tiên: bảo đảm quyền lợi giữa các nhóm thí sinh; Quá chậm sửa luật thuế thu nhập cá nhân;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 2/2.

TIỀN CÔNG ĐỨC Ở ĐỀN, CHÙA...SẼ ĐƯỢC QUẢN LÝ THẾ NÀO?

Công đức khi đi lễ chùa hay tới các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là một thói quen từ xưa của người Việt. Nhiều người đặt câu hỏi, vậy tiền công đức ở đền, chùa... sẽ được quản lý thế nào? Bài viết trên báo điện tử VTV.

Công đức là một khoản đóng góp tự nguyện hay như người dân vẫn nói là tùy tâm. Mỗi người ủng hộ dù ít, dù nhiều thì nhiều người ủng hộ nhất là vào những dịp lễ Tết thì đây vẫn sẽ là một nguồn tiền lớn. Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, giám sát, làm minh bạch các khoản thu chi nguồn tiền này. Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ. Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 19/3.

GIẢM ĐIỂM ƯU TIÊN: BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI GIỮA CÁC NHÓM THÍ SINH

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có nhiều quy định mới. Theo đó, điểm ưu tiên khu vực sẽ giảm dần đều khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm. Sĩ tử đạt 30 điểm thì điểm ưu tiên sẽ bằng 0.

Báo giáo dục và thời đại trích dẫn một số ý kiến nhìn nhận, Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vẫn cần được duy trì. Tuy nhiên, có điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên liên quan. Qua đó, tạo điều kiện cho thí sinh có điều kiện khó khăn được tiếp cận với giáo dục đại học, bảo đảm quyền lợi giữa nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Với thí sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn, nhờ có chính sách cộng điểm ưu tiên đã giúp nhiều em được học đại học. Tuy nhiên, cũng cần tính toán lại mức điểm ưu tiên để bảo đảm sự công bằng.

QUÁ CHẬM SỬA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Không phải bây giờ mà từ năm 2017, Bộ Tài chính đã thừa nhận những bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân khi chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Thế nhưng đến nay đã 5 năm, những bất cập vẫn chưa được sửa đổi. “Quá chậm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân” là bài viết trên báo Tuổi trẻ.

Theo báo Tuổi trẻ, Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cần phải được nâng kịp thời. Vì mức 4,4 triệu đồng/tháng không đủ chi cho những nhu cầu tối thiểu gồm ăn ở, học hành...Theo kết quả vừa rà soát toàn bộ 35 điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính xác định có 22 điều cần phải sửa đổi. Năm 2022, bất chấp kinh tế vẫn còn có những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số thuế thu nhập cá nhân tăng lên gần 167.000 tỉ đồng. Con số nói lên áp lực với người nộp thuế khi những bất cập, lạc hậu của chính sách thuế thu nhập cá nhân chưa được sửa đổi kịp thời. 

DOANH NGHIỆP BÁN LẺ XĂNG DẦU KÊU TRONG THẾ KẸT, BỊ TRIỆT TIÊU KINH DOANH

Mới đây, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định và hài hoà lợi ích. Báo lao động có bài viết bình luận về vấn đề này.

Đơn kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, chính sách về kinh doanh xăng dầu có nhiều điểm chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng. Báo Lao động trích dẫn nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 83 và 95 quy định cho doanh nghiệp bán lẻ chỉ lấy hàng 1 nơi để quản lý chất lượng là không thuyết phục. Bởi thương nhân phân phối lấy hàng ở 3 nơi, khi mua hàng về, họ đổ chung vào một bể để dự trữ bán ra, không phân theo hệ thống bồn bể của từng công ty đầu mối. 

 

Thùy Trang