Tiếp tục cập nhật điều chỉnh chi phí xăng dầu sát thực tế

Giá xăng đã được điều chỉnh vào chiều 11/11. Tuy nhiên với sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu toàn cầu, thì nguy cơ về thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước luôn hiện hữu. Theo các doanh nghiệp hiện nay chi phí premium đưa xăng từ nước ngoài về Việt Nam tăng rất cao, nên việc tính toán định mức chi phí trong bối cảnh rất dị biệt của thị trường hiện nay cần được cập nhật liên tục và đầy đủ hơn.

Báo cáo từ Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cho thấy, so sánh với định mức hiện hành áp dụng trong giá cơ sở, thì chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam với xăng RON92 đang chênh 622 đồng/lít, xăng RON 95 là 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh từ gần 279-681 đồng/lít. Tức là, mức giá mới mà Bộ Tài chính chưa đủ bù mức chênh lệch trên. Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết: Do nguồn cung xăng dầu thế giới thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung.

Ông ĐÀO NAM HẢI, Tổng Giám đốc Petrolimex: “Hiện chúng tôi đã làm việc khoảng 100 nhà cung cấp xăng nhưng rất ít nhà cung cấp nhận lời, trong khi đó giá Premium đòi rất cao. Đây là một khó khăn rất lớn…”

Đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng quan trọng trọng nhất vẫn là điều chỉnh chi phí để bù đắp được khoản chênh lệch và phụ phí premium thời điểm tháng 11 và 12.

Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam: “Hiện chi phí Pemium tháng 11, 12, doanh nghiệp đang lỗ 5-6 USD 1 thùng, đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới."

Ngay sau cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các bộ ngành, doanh nghiệp về điều hành xăng dầu vào chiều tối ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Công thương giao cho biết tránh đứt gãy nguồn cung, cần tiếp tục cập nhật chi phí định mức, chi phí phát sinh thực tế để phản ánh vào công thức tính giá cơ sở trong các kỳ điều hành tháng 12

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công thương: “Nguyên nhân chính của hiện tượng mà các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, hạn chế bán ra là do các định mức chi phí và các định mức chi phí phát sinh trong bối cảnh rất dị biệt của thị trường xăng dầu hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ kịp thời trong công thức tính giá cơ sở. Vì vậy Chinh phủ giao Bộ tài chính rà soát cập nhật chi phí phát sinh đó để liên bộ điều hành giá bán lẻ phù hợp với tính hình thế giới”

Đến tháng 1/2023, doanh nghiệp xăng dầu còn chịu thêm chi phí về hoàn Thuế Bảo vệ môi trường, do đó cần điều hành hợp lý, hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu để ổn định thị trường.

Ngọc Tuấn