Tiêu chuẩn rể quý của người Cơ Tu: Tặng bố vợ quan tài tốt

Từ xa xưa truyền thống của hầu hết các dân tộc trên đất Việt Nam là xuất giá tòng phu, người con gái khi đã được gả cho gia đình khác thì về nhà chồng ở. Vậy thì ở đâu người con dâu được gia đình nhà chồng yêu thương nhất, dân tộc nào người chồng luôn có trách nhiệm chăm lo cho gia đình vợ nhất.

A Lăng Blay mới lấy vợ, chỉ còn ít ngày nữa là tới lễ Choọt A Bloo tức là lễ tách khẩu bên nhà gái về nhà trai làm dâu. Blay muốn lên rừng để tìm cho bố vợ mình một cây gỗ cứng cáp nhất, lớn nhất để về làm quà. 

Việc này Blay phải tự làm một mình, tối đa trong vòng 3 tháng phải đem quà tới cho bố vợ. Lên rừng, Blay lựa cây gỗ dổi thân rất cứng, khó bị mục và tự mình đốn đem về nhà.
Liên tục trong 2 tới 3 tuần, Blay một mình hì hục bổ và đục thân dổi thành hai phần bằng nhau, khoét ruột đủ vừa người nằm trong. Người Cơ tu gọi đây là cái T’rang (tờ-rang), tức là cái hòm hay cái quan tài…

“Thoạt nghe câu chuyện con rể mang quan tài đem tặng nhà vợ, nhiều người sẽ không khỏi giật mình. Tuy nhiên đối với người Cơ Tu thì đó là cách thể hiện sự quan tâm, yêu thương đối với gia đình nhà vợ sau khi đưa con gái người ta tới nhà mình làm dâu”.

 Bao đời nay trai làng Arec đều vui vẻ và tự nguyện lên rừng tìm cây về làm hòm khi lấy vợ. Đây là một trong những tài sản quý giá, được coi là điều tốt đẹp nhất dành cho nhà vợ khi đôi lứa nên duyên. Không những thế, đàn ông cũng phải làm nương làm rẫy nhiều hơn vợ.

Anh A LĂNG BLAY: Thôn Arec, xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam: “Cái gì đàn ông cũng phải làm về muộn, làm nhiều hơn phụ nữ, phụ nữ phải về trước, để đàn ông về sau. Với con dâu nếu không cho tiền bạc thì hàng ngày chỉ làm ít, làm buổi sáng một tí thôi và làm trong nhà thôi”.

Ông A LĂNG BLOC: Thôn Arec, xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam: “Ví dụ họ xin con gái tôi, con rể cố gắng thương. Chén đĩa có rồi, mình muốn có cái hòm, bố già không đi làm được, nên mình xin cái hòm, đem con bò con heo ché chum với cái hòm đó là mừng cho bố vợ”.

Già làng A Lăng Chờ Rôh kể với chúng tôi, ông có hai người con gái, tức là sẽ có hai cái hòm dựng sau nhà. Ông cũng không thể cho ba người con trai lấy hòm đó để đi lấy vợ được. 

Ông A LĂNG BLOC: Thôn Arec, xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam: Nhà người ta lấy con gái tôi thì phải tặng lại hòm cho nhà tôi.

Người Cơ Tu có phong tục, sau khi chôn người đã khuất được ba năm thì đào lên, tắm rửa, thay quần áo và dựng lán ở nơi cao để thể hiện tình cảm của người còn sống. Vì vậy, chiếc hòm tình cảm nhà thông gia thể hiện với vợ nhà gái, đó là vật quý giá cuối cuộc đời được mang theo khi về với tổ tiên, đó cũng là niềm tự hào của nhà gái khi cưới được rể quý.

Già làng A LĂNG CHỜ RÔH: Thôn Arec, xã A Vương, huyện Tây Giang: Một người con gái bên kia ông bà cha mẹ người ta để ra họ nuôi nấng họ đến lớn. Con trai của mình lấy được họ, thì con trai mình phải làm một cái hòm để tặng cho nhà người ta để biết ơn.

Tết cũng là dịp người Cơ Tu thể hiện phong tục R’dáo. Đây là lúc nhà gái tới thăm nhà trai, thăm con dâu sau mỗi năm về nhà chồng. Nhà gái chuẩn bị quà là gia cầm và cá, trong khi nhà trai phải mổ con vật 4 chân như heo, bò, và nhường phần thịt đó cho nhà gái ăn. 

Già làng A LĂNG CHỜ RÔH: Thôn Arec, xã A Vương, huyện Tây Giang: Về nhà trai phải giết trâu giết bò thì ý nghĩa như này, con dâu là nuôi trong gia đình con trai, phải giết trâu bò, cho của cải cho nó vui, vì con gái đó không còn ở trong nhà bố mẹ nữa, phải đi tới nhà trai, nhà trai phải lo.

Từ chiếc quan tài người con rể tự tay lên rừng tìm cho bố vợ tới việc nhà trai chuẩn bị heo, bò cho nhà gái mỗi khi tới thăm con dâu, và câu chuyện chồng nhường việc nhẹ cho vợ, có thể thấy người Cơ Tu tại đây đã và đang giữ được những nét truyền thống mang ý nghĩa rất nhân văn và tốt đẹp, để xây dựng gia đình, bản làng hòa thuận, yên ấm.

Thành Nam