• 1161 lượt xem
  • 21:36 03/06/2023
  • Kinh tế

COP26: Điện sinh khối trước nỗi lo “phập phù” nguồn nguyên liệu

Là quốc gia có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển điện sinh khối từ các phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải. Đây cũng là nguồn năng lượng tái tạo, sạch, được định hướng phát triển theo Quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này ở Việt Nam hiện vẫn chưa hiệu quả, và cần những cơ chế chính sách đặc thù để phát triển.

 Đây là nhà máy duy nhất trong 27 nhà máy điện sinh khối mía đường đồng phát nhiệt – điện còn hoạt động trong cả nước. Và cũng chỉ sau ngày hôm nay, nhà máy này cũng sẽ đóng cửa tạm thời trong 3 tháng tới do thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất điện. Với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, tua bin công suất 25 MW, cho sản lượng 9 MW điện sử dụng cho nhà máy đường còn lại 16 MW bán lên lưới điện quốc gia. Chính thức hoà lưới điện thương mại từ 2019, đến nay đã 4 năm, nhưng nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng. Dù được xây dựng để phát điện từ bã mía, nhưng thực tế từ khi chính thức vận hành đến nay, nhà máy đều phải nhập các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp khác như vỏ keo, các loại ván dăm thải loại để thay thế bã mía, do thị trường mía đường trong nước bất ổn định, nhà máy mía đường phải dừng hoạt động.

Việc phải nhập nguyên liệu dẫn đến chi phí sản xuất điện cao hơn. Theo tính toán của nhà máy, để sản xuất 1 số điện cần khoảng 2,6kg vỏ keo với tổng chi phí đầu vào khoảng 1500 đồng, chưa kể chi phí khấu hao máy móc và nhân công. Trong khi vẫn chỉ được áp dụng giá bán điện 7.03 UScents/kWh (khoảng hơn 1600 đồng) theo giá FIT cho các dự án đồng phát nhiệt – điện. Nhà máy rơi vào tình trạng hoạt động cũng lỗ và không hoạt động cũng lỗ.

Hiện nay bã mía vẫn là nguồn nguyên liệu chính của điện sinh khối. Nhưng nguồn nguyên liệu khó xác định về số lượng, không dự báo được mức giá; cơ chế giá mua điện còn chưa hợp lý đang là những khó khăn chung hiện hữu của các nhà máy điện sinh khối bã mía.

Trong vài năm qua, không có nhiều nhà máy điện sinh khối được đưa vào hoạt động, trong khi tổng công suất điện sinh khối của cả nước còn giảm đi. Tính đến hết 2022, công suất điện sinh khối nối lưới mới đạt khoảng 350MW, chỉ chiếm 0,42% tổng công suất lắp đặt toàn ngành điện. So với tiềm năng hiện có, đây là con số quá nhỏ. 

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia, mục tiêu phát triển điện sinh khối đến năm 2020, tỷ lệ điện sinh khối chiếm tỷ trọng 1% trong tổng sản lượng điện cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022, đến hết năm 2022, công suất nguồn điện này mới đạt khoảng 350MW, chiếm 0,42% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống, và mới đạt 50% mục tiêu điện sinh khối theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Điều này cho thấy, vẫn còn một khoảng cách xa để đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sinh khối, dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển; trong đó có cơ chế hỗ trợ giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ). Hiện mới chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia...

Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, nguồn sinh khối ở Việt Nam rất đa dạng, với tổng khối lượng hàng năm lên đến trên 160 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường và chất thải tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được chuyển đổi thành điện, sản xuất khí đốt như biogas. Gần đây có một số địa phương đã phát triển nhà máy đốt rác phát điện, tuy nhiên công nghệ này được xem là còn mới tại Việt Nam nên vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, đến năm 2035, tổng tiềm năng phát triển điện sinh khối từ các loại hình đạt hơn 9.600 MW. Thế nhưng thực tế nguồn điện này hiện mới chỉ đạt khoảng 1/27 tổng công suất tiềm năng.

Nhiều chuyên gia đánh giá, tiềm năng điện sinh khối ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác triệt để do còn nhiều thách thức. Đó là, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho phát triển các dự án điện sinh khối, khó khăn trong việc kiểm soát nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện; chi phí vốn đầu tư cao; chính sách khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn, chưa có cơ chế mua bán chứng chỉ giảm phát thải CO2/khí nhà kính…

Cũng bàn luận vấn đề này với ông NGUYỄN ANH DŨNG - Cán bộ Cấp cao Dự án Hỗ trợ năng lượng GIZ tại Việt Nam!

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!