• 1565 lượt xem
  • 05:53 14/02/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm: 2% giảm thuế VAT bước từ bàn nghị sự tới siêu thị

Theo quy định, từ đầu tháng 2/2022, khi đi mua sắm, thay vì phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng (VAT), chúng ta sẽ chỉ phải nộp 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Có được điều này là nhờ chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Với quy định mới này, người bán có thêm điều kiện để thu hút khách hàng, trong khi người mua lại có thể tiết kiệm được một khoản tiền nhất định. Thuế VAT là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy khi giảm VAT thì cả hai đối tượng này cùng hưởng lợi.

GIẢM 2% THUẾ VAT: ĐÒN BẨY KÍCH CẦU TIÊU DÙNG

Hệ thống siêu thị này có tới 35.000 mặt hàng khác nhau. Trong đó, số mặt hàng được áp mức thuế VAT mới, chiếm tới 80%. Toàn bộ các sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát, sữa, thậm chí hàng gia dụng đều được siêu thị giảm 2% thuế VAT theo quy định mới. Riêng nhóm hàng có thuế VAT 5% như rau xanh, thịt cá… vẫn được giữ nguyên. 

Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C & Go khu vực miền Bắc:Với chúng tôi việc Chính phủ quyết định giảm thuế từ 10% xuống 8% cho rất nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu là một hỗ trợ rất quan trọng cho người tiêu dùng, và bản thân cá nhân chúng tôi cũng được hưởng lợi khi mà có thể kích cầu, qua đó thúc đẩy sản phẩm tiêu thụ nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của công ty”.

Đây là những lợi ích có được từ Nghị định 15/2022 của Chính phủ, quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội. Nếu xét theo quy mô từng hộ gia đình, số tiền thuế được giảm có thể chỉ là vài trăm nghìn đồng/tháng, nhưng nếu đánh giá trên phạm vi cả nước, thì chắc chắn là con số không nhỏ. 

Và vì vậy, với người tiêu dùng, việc giảm thuế VAT sẽ có tác dụng kích cầu rõ rệt. Còn với doanh nghiệp, khi giảm 2% VAT thì tương đương với việc doanh nghiệp sẽ được tiết kiệm 2% trên tổng doanh số mua vào của năm 2022, ước lượng con số này tương đối lớn cho mỗi một doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Vân Anh - Quản lý Nhà hàng Vua chả cá, số 1 Đinh Tiên Hoàng:Hiện tại nhà hàng đã áp dụng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% bắt đầu từ ngày 01/02… Có một số khách hàng họ rất để ý đến việc giảm thuế và họ đón nhận thông tin này rất tích cực, cảm thấy trong quá trình tiêu dùng, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm thuế của nhà hàng.”

Không chỉ các doanh nghiệp tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đánh giá cao chính sách giảm thuế giá trị gia tăng mới này. 

Bà Phạm Thị Hương  - Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và chuỗi cung ứng, Tập đoàn Assa Abloy:Việc giảm thuế cũng giúp cho chúng tôi một phần để giảm thiểu chi phí vận hành của nhà máy tại Việt Nam, mặc dù không nhiều nhưng cũng là hành động kịp thời để giúp chúng tôi tiếp tục tái đầu tư vào nhà máy tại Việt Nam.”

LOAY HOAY VỚI VIỆC GIẢM THUẾ VAT

Giá cả thường quyết định đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Rất dễ để nhận thấy, với người tiêu dùng, việc giảm thuế VAT sẽ có tác dụng kích cầu rõ rệt.  Tuy nhiên, việc thay đổi này không chỉ đơn thuần từ con số 10% xuống 8%, mà cần rất nhiều bước chuẩn bị. Việc thực thi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu hiện nay còn nhiều bất cập.

Trong không khí náo nức những ngày đầu năm 2022, dạo một vòng quanh các group về thuế - kế toán - hải quan trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp bộ phận kế toán doanh nghiệp đang loay hoay với câu hỏi mặt hàng này sẽ áp thuế “8% hay 10%?”. Thay vì chúc tụng đầu xuân như mọi năm, những câu hỏi liên quan đến việc áp dụng thuế suất mới, trở nên phổ biến. 

Theo ghi nhận, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm việc giảm 2% thuế VAT, hay nhiều đơn vị lý giải vì yếu tố kỹ thuật. Thực tế hiện nay mới chỉ có nghị định mà chưa có thông tư hướng dẫn nên cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý thuế khó có thể tiếp cận và triển khai đồng bộ, để chính sách mới được áp dụng thực hiện hiệu quả. 

PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính:Ví dụ như ở công ty khai thác than số thuế phải nộp là giảm đi nhưng khâu sau đó thì số thuế phải nộp sẽ tăng lên bởi vì đầu vào được khấu trừ của họ giảm đi, và tuy nhiên trong trường hợp như vậy thì số thuế mà người tiêu dùng cuối cùng phải trả vẫn là không đổi.

Còn theo chia sẻ của các chuyên gia, quy định của pháp luật không nhất thiết phải có thông tư hướng dẫn, và khi có quy định về thông tư hướng dẫn nghị định, thì sẽ có quy định rõ ngay trong nghị định, còn nếu không thì nghị định lập tức có thể có hiệu lực thi hành. 

Còn theo Tổng cục thuế, tất cả các loại hàng hóa dịch vụ hiện nay được quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 15 thì sẽ không được giảm thuế. Như vậy có thể căn cứ vào danh mục phụ lục đó để xem xét và lập hóa đơn với mức thuế suất giảm.

Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế: Nghị định cũng có quy định rất cụ thể trong trường hợp việc thụ hưởng chính sách này phải đến được người tiêu dùng. Thì như vậy khi bán hàng hóa với mức thuế suất 10% mà thuộc diện được giảm thì cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn với mức thuế suất 8% để giao cho người mua. Trường hợp hóa đơn không theo đúng quy định thuế suất được giảm thì hai bên phải điều chỉnh hóa đơn theo quy định.”

Việc chậm chạp này tác động ít nhiều đến sự tác động tích cực từ chính sách trong khi cả người dân và doanh nghiệp đang mong đợi. Vì vậy Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ người nộp thuế, và kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ.

Bà PHẠM THỊ MINH HIỀN, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế:Nghị định cũng có quy định nội dung là đối với những loại hàng hóa dịch vụ thuộc diện giảm thuế thì cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng và giao cho người tiêu dùng để người tiêu dùng biết được các loại hàng hóa mình mua được thụ hưởng là thuộc diện giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ.”

Tổng cục thuế cũng nhấn mạnh, nếu như có hiện tượng trục lợi chính sách của nhà nước là không giảm thuế cho người tiêu dùng, nâng giá bán lên thì cơ quan thuế sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời nghiêm khắc đồng thời cũng có những đề suất nếu như biện pháp đó vượt thẩm quyền của cơ quan thuế.

GIẢM THUẾ HƯỚNG ĐẾN TĂNG CHI TIÊU TRONG NỀN KINH TẾ

Đây là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng. Do đó nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội thông qua Nghị quyết này sẽ có tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên việc ảnh hưởng đến thu Ngân sách Nhà nước là không thể tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra, việc ảnh hưởng này có phải đáng lo ngại hay không, và chúng ta làm cách nào để bù đắp nguồn thu? Và chính sách này có cần thực thi trong dài hạn hay không? Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với bà Vũ Thu Ngà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.

Phóng viên Lê Hương: Việc giảm thuế VAT mới được cho là sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng tác động lan tỏa, đặc biệt về mặt kích cầu là rất lớn, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Vũ Thu Ngà - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam: Tôi đánh giá đây là một tác động rất tích cực đến thị trường tiêu dùng và lạm phát. Bởi vì đây là một chính sách mang tính thực tế, dễ thực hiện, dễ hiểu. Sau đó có hiệu ứng lớn thúc đẩy chi tiêu, thúc đẩy sản xuất từ phía người tiêu dùng cũng như sản xuất. Tôi nghĩ Bộ Tài chính khi xây dựng dự thảo Nghị định cũng đã dự đoán được giảm thu ngân sách nhà nước xấp xỉ khoảng 51.000 tỷ đồng. Đây là mức giảm để mà tăng, một bước lùi để  chúng ta có thể tăng trưởng ổn định hơn. Khi chúng ta giảm ngân sách nhà nước có nghĩa là chuyển dịch nguồn ngân sách nhà nước về phía tăng nguồn ngân sách chi tiêu cho doanh nghiệp và cho người dân, giúp cho doanh nghiệp phải giảm sức ép phải tăng giá khi mà chi phí đầu vào tăng, giúp cho người dân có nhiều tích lũy hơn trong chi tiêu. Như vậy sẽ giúp cho toàn bộ kích thích tiêu dùng nội địa. Theo đó sẽ giúp thúc đẩy an sinh xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế ổn định sau đại dịch và tạo ra nguồn thu nhập tiếp tục cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp được đóng thuế, có thu nhập để đóng thuế. Đó là nguồn dài hạn để tham gia bổ sung vào ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Phóng viên Lê Hương: Việc áp dụng giảm thuế mới trong thời hạn một năm có đủ để kích cầu hay không? Và có cần gia hạn thêm các biện pháp miễn giảm thuế này hay không?

Bà Vũ Thu Ngà - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam: Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Nghị quyết 43 được ra đời thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 thi hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Tôi đánh giá đây là một nỗ lực rất lớn, là cam kết rất lớn của Chính phủ khi chung tay cùng các doanh nghiệp và người dân để cùng thúc đẩy nền kinh tế vốn đã bị tổn thương sau đại dịch, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời cũng để bắt nhịp với đã khôi phục kinh tế của khu vực và thế giới. Việc làm chính sách nó sẽ có giai đoạn, và Nghị định 15 là một phép thử của Chính phủ khi áp dụng gói giải pháp mà đây là gói giải pháp rất bứt phá. Nó chỉ là ngắn hạn trong năm 2022. Tôi tin chắc là trong trường hợp gói giải pháp đem lại hiệu quả. Sau một năm chúng ta đánh giá lại tác động xem lợi ích của doanh nghiệp, người dân và an sinh xã hội được thực hiện như thế nào, hiệu quả như thế nào, tôi tin chắc rằng giải pháp này sẽ được sử dụng như là một chính sách mà Chính phủ sẽ cân nhắc về lâu dài.

Phóng viên Lê Hương: Cảm ơn bà đã tham gia chương trình!

Thùy Trang