• 4671 lượt xem
  • 04:23 24/04/2022
  • Văn hóa

Tiêu điểm: Câu chuyện ép học sinh chuyển trường - Sóng ngầm khi nhà trường bỏ học sinh lại phía sau

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một số trường THCS tại Hà Nội có hình thức “hướng nghiệp” thô bạo, vi phạm quyền học tập của học sinh - ép học sinh yếu không thi lớp 10. Thông tin này đã gây phản ứng trong dư luận và buộc các bộ ngành liên quan phải vào cuộc xác minh.

Tối 19/4, mạng xã hội xuất hiện thông tin phụ huynh "tố" một số trường THCS ở Hà Nội (trong đó có Trường THCS Dịch Vọng) yêu cầu học sinh học lực yếu cam kết không thi vào lớp 10 hoặc phải vào trường ngoài công lập. Theo đó, các nhà trường sàng lọc những em có lực học trung bình trở xuống đồng thời gặp gỡ riêng từng phụ huynh và học sinh để tư vấn.

Ngay sau “bão dư luận” về vụ việc này, chỉ trong sáng 20/4, từ Bộ GD - ĐT đến UBND TP.Hà Nội, Sở GD - ĐT Hà Nội, Phòng GD - ĐT quận Cầu Giấy đã phát đi những chỉ đạo khẩn nhằm xác minh, làm rõ vu việc, xử lý nghiêm vi phạm nếu có.

Tại buổi họp báo ngày 20/4, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy cho biết, đã xác minh vụ việc hai Trường THCS Dịch Vọng và THCS Nghĩa Tân bị "tố" ép học sinh yếu không thi vào lớp 10 và nhận định thông tin này không có cơ sở. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã gọi điện để xác minh một số phụ huynh, kết quả các phụ huynh học sinh đều khẳng định, không có trường hợp nhà trường ép buộc chuyển trường.

Tuy các báo cáo của cơ quan chức năng đến nay đều nhận định thông tin không có cơ sở, nhưng trên mạng xã hội vẫn âm ỉ những luồng thông tin cho rằng đây là “sóng ngầm đáy sông”, chuyện năm nào cũng có, nhưng vì phụ huynh muốn con có môi trường phát triển bình yên nên không muốn ra mặt đối chất. Thậm chí, một vài đoạn tin nhắn với nội dung ép buộc tương tự cũng tiếp tục được lan truyền.

Vụ việc, nếu có thật, chính là một “biến tướng” của hướng nghiệp. Khi việc phân luồng học sinh sau THCS đang được quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, thay vì quan tâm thiên hướng học sinh và có những định hướng phù hợp, người dạy lại có can thiệp “thô bạo” và phi giáo dục, tước đi quyền lựa chọn của người học. Bên cạnh đó, nó cũng là biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh thành tích – khi nhà trường muốn “bỏ lại phía sau” một bộ phận học sinh của mình. 

Liên quan đến vụ việc, một số thông tin cho biết, Hà Nội có việc chia điểm trung bình rồi xếp hạng các trường nên xảy ra việc "chạy đua" không chỉ ở một trường. Những tiêu chí xếp loại như thế này, nếu tồn tại, không chỉ không vì người học, mà còn là nguồn nuôi căn bệnh thành tích càng nặng nề hơn.

Mục tiêu cơ bản nhất giáo dục phổ thông đó là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi học sinh về quyền được bảo vệ, chăm sóc, quyền được học tập và phát triển theo khả năng của mình, cùng với quyền được lắng nghe, tôn trọng và có thể được ra quyết định. Tuy nhiên, từ câu chuyện "ép học sinh không được thi lớp 10" tại Hà Nội, ngoài bệnh thành tích, vấn đề sâu xa hơn có thể thấy là câu chuyện về phân luồng học sinh sau THCS. Làm thế nào để tư vấn, định hướng cho các em thật sự hiệu quả mà không phản cảm? 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ HOÀNG NGỌC VINH, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phóng viên: Vừa qua có thông tin học sinh tại Hà Nội bị nhà trường ép không thi vào lớp 10 công lập, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

TS HOÀNG NGỌC VINH, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Phải nói là đây là 1 sự việc rất phản cảm, việc phân loại học sinh như vậy, đưa chuyện người ta là học sinh hạng 2, hạng 3 vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hay giáo dục ngoài công lập là không đúng. Như vậy, vô hình dung GDNN là chỗ chứa đựng những học sinh yếu kém. Hoặc trường ngoài công lập nhiều trường tốt lắm, tuyển vào còn khó. Thà để cho trò mình thi xong rồi mình khuyến cáo thì hay hơn, ở đây việc anh có thiện tâm hay cái gì đi chăng nữa thì đều chứa đựng một điều gì đó ép buộc.”

Phóng viên: Vụ việc đang được xác minh làm rõ, tuy nhiên câu chuyện tương tự như này hầu như năm nào cũng có. Có quan điểm cho rằng đây là hệ quả của bệnh thành tích, căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Quan điểm của ông thì sao?

TS HOÀNG NGỌC VINH, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Chuyển học sinh theo học các luồng khác nhau là việc làm nên làm để phù hợp với năng lực sở trường cũng như là điều kiện kinh tế của các em. Đấy là việc làm rất đúng và có ý nghĩa. Nhưng phải có cách làm, thời điểm làm. Thời điểm này làm như thế có khác nào bảo các em học dốt. 

Nếu học dốt thì phải tìm hiểu nguyên nhân, nguyên nhân từ bản thân nhận thức của các em, nguyên nhân lười học, hay nguyên nhân do chính thầy cô giáo dở, do chương trình học quá nặng hay do gia đình, để từ đó có giải pháp thì tốt hơn. Rõ ràng, đây là bệnh thành tích, thành tích ở chỗ là sợ không đỗ lớp 10 nhiều thì giáo viên bị mang tiếng, nhà trường mang tiếng và kiểu muốn tăng cường thương hiệu của mình bằng các thành tích như vậy là không nên, rất phản cảm.

Phóng viên: Việc phân luồng sau THCS là cần thiết. Tuy nhiên chúng ta không thể phân luồng bằng biện pháp phi giáo dục như vậy. Theo ông, phân luồng sau THCS nên được thực hiện như thế nào?

TS HOÀNG NGỌC VINH, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Phân luồng là chuyển học sinh có năng lực, sở trường phù hợp vào học để có kỹ năng nghề nghiệp và có việc làm thì có thể học 3 tháng, 5 tháng, 6 tháng gì đó hoặc đi vào doanh nghiệp vừa học, vừa làm hoặc như thế nào đó để đến khi đủ tuổi thì đi lao động kiếm tiền. Nhưng không phải cứ vào chỉ để đạt chỉ tiêu vào trung học nghề hay trung cấp nghề thì mới gọi là phân luồng. 

Phải thấy là các em có thể học các khoá học ngắn hạn. Bản thân các trường nghề cũng phải tốt lên. Ở tuổi 15, 16 của các em là vừa dạy, vừa dỗ, rất là khó thì mình phải có cách, có tâm lý học để dạy các em cho tốt, chăm sóc các em. Dạy các em chất lượng phải tốt. Thị trường lao động phải luôn có sẵn. Cứ bảo vào đây trong khi việc làm tù mù thì làm sao phân luồng được.”

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!

Đỗ Minh