Tiêu điểm: Đi tìm nguyên nhân của việc khó thu hút đầu tư PPP dự án giao thông

Theo quy hoạch, đến năm 2050 Việt Nam phải có 9.000km đường cao tốc và gần 30.000km đường quốc lộ. Để đáp ứng mục tiêu này, phải cần nguồn vốn rất lớn, dự kiến trong giai đoạn từ năm 2021-2025, mỗi năm cần tới 78.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách dự kiến đáp ứng 2/3, còn lại huy động vốn tư nhân. Điều đáng chú ý, trong 2 năm, 2021-2022 vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng gần như không có.

DỰ ÁN GIAO THÔNG KHÓ THU HÚT

Nếu như 3 năm trở về trước, lĩnh vực giao thông vận tải là lĩnh vực được ví như “ thỏi nam châm” với các dự án BOT, thì hiện nay, các nhà đầu tư đã không còn mặn mà. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang quản lý 72 dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông. Trong đó có 2/3 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng đã dừng triển khai từ năm 2017; 12 dự án đang giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư nhưng không lựa chọn được hoặc đàm phán hợp đồng thất bại. Điển hình như tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) với tổng chiều dài 164km với tổng mức đầu tư là: 23.187 tỷ đồng.

BẤT CẬP CHÍNH SÁCH PPP KHÔNG PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Vậy nguyên nhân là do đâu? Theo các chuyên gia, loại trừ những khó khăn khách quan từ đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, thì vấn đề chính là do cơ chế, chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) được cho là chưa đủ hấp dẫn và còn nhiều rủi ro. Trở lại tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh chúng tôi vừa nhắc ở trên. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo "tính đồng bộ", khai thác hết công năng, hiệu quả của toàn tuyến cao tốc kết nối Hà Nội với Cao Bằng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh-xã hội, mang lại lợi ích lâu dài và cải thiện đời sống cho người dân khu vực Đông Bắc. Dự án có tầm quan trọng là vậy, nhưng tại sao việc huy động nguồn vốn theo hình thức PPP lại khó khăn?

CẦN CƠ CHẾ CHIA SẺ RỦI RO VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 được kỳ vọng sẽ tạo cú huých, huy động vốn từ khu vực tư nhân nhất là vào các dự án hạ tầng nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Luật PPP cũng là khung pháp lý quan trọng tạo ra luật chơi minh bạch, hiệu quả, đúng bản chất của PPP hơn, đặc biệt đã có quy định về chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu giúp nhà đầu tư yên tâm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai các dự án PPP vẫn còn một số tồn tại, bất cập khiến các nhà đầu tư cảm thấy lưỡng lự, băn khoăn khi quyết định “chung tay với nhà nước”. Vậy, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc như thế nào? Ghi nhận một số ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

Mời quý vị cùng theo dõi !

Diệu Huyền