Tiêu điểm: Điều gì cản trở cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước?

Vài năm gần đây hầu như năm nào các bộ, ngành và địa phương cũng đều không đạt được kế hoạch cổ phần hóa như đã đề ra. Năm 2021 vừa qua là điển hình cho thấy công tác cổ phần hóa gần như không có chuyển động nào đáng kể. Đáng chú ý, số thu từ cổ phần hoá trong năm 2021 cũng không đạt yêu cầu Quốc hội giao.

Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ phải thu được 40.000 tỷ đồng từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng kết quả thu chỉ đạt chưa tới 1.500 tỷ đồng, tức là tương đương hơn 2,5% kế hoạch. Số thu không những không đạt yêu cầu, mà tiến độ cổ phần 2 năm nay cũng quá chậm. 

Cụ thể, chỉ có 39/137 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu cơ cấu lại DNNN không đạt ở 2 nội dung: Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn và Thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

ĐIỀU GÌ ĐANG CẢN TRỞ  CỔ PHẦN HOÁ VÀ THOÁI VỐN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cơ bản hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2), Tổng công ty Phát điện 3. Theo đại diện tập đoàn, vướng mắc lớn nhất là cơ chế chính sách thay đổi liên tục, thiếu ổn định, khiến doanh nghiệp đang triển khai theo quy định cũ, buộc phải làm lại khi có quy định mới thay thế. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp rất khó, đặc biệt là việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp vì giá đất biến động khó lường.

Ông NGUYỄN XUÂN NAM - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN: “Trọng tâm tháo gỡ trong cổ phần hoá là cơ chế chính sách cho doanh nghiệp làm, thứ nhất là làm rõ nét, làm đúng và không sợ sai. Các đơn vị làm rất sợ sai. Thứ 2 là thoái vốn, cái lo sợ nhất là đánh giá giá trị của doanh nghiệp đó khi thoái vốn.”

Tại một hội nghị mới đây, người đứng đầu Bộ Tài chính và nhiều cơ quan liên quan đã thẳng thắn chỉ ra, đất đai là một trong những vấn đề đã và đang cản trở quá trình cổ phần hoá. Cụ thể, những vướng mắc trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, phương án sử dụng đất được cho là điểm nghẽn lớn nhất trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác. Rủi ro lớn nhất là từ vấn đề sử dụng đất. Có nhiều quan điểm về giá trị quyền sử dụng đất. Tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị của doanh nghiệp nhưng tiền thuê đất 1 lần lại tính vào giá trị doanh nghiệp. Hơn nữa, khi chuyển vào giá trị cổ phần hoá hôm nay, dù có sát với giá thị trường thì 5 hay 10 năm sau nó cũng lại là giá bèo. Đây là một lỗ hổng trong thất thoát”.

Đáng nói, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nếu không được giám sát chặt sẽ dẫn tới nhiều sai phạm do cố tình "mượn" việc bán doanh nghiệp để bán đất. Thực tế, đã có không ít vụ án bị hình sự hoá vì cổ phần hoá, liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất, tìm cách biến hóa "đất vàng" trong quá trình cổ phần hóa để thu lợi. Hay nói cách khác, cổ phần hoá nếu chạy theo lợi nhuận, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. 

Ông VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế: “Bản chất của cổ phần hóa doanh nghiệp là bán doanh nghiệp chứ không phải là bán đất gắn với doanh nghiệp do quá trình lịch sử để lại. Tất cả những thất thoát, lãng phí, thậm chí sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp vừa rồi và cũng là một nguyên nhân khiến cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra rất chậm và gặp nhiều khúc mắc chính là vấn đề liên quan tới đất đai.”

Bên cạnh đó, còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.

“Quá chậm” là từ mà các chuyên gia và cơ quan liên quan nhận định về cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2021 đến nay, cụm từ “đóng băng” đã đủ để khái quát toàn bộ hoạt động này. Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn thắn chỉ ra cần phải sửa đổi chính sách. Đó là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp một cách chính xác hơn, trong đó tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là vấn đề cần lưu tâm trước tiên.

Năm 2018, Quốc hội đã ra nghị quyết số 60/2018/QH14, nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác. Nhưng đến năm 2020, Chính phủ ban hành nghị định 140/2020/NĐ-CP, và khẳng định phải thuê đất hàng năm nhưng không rõ doanh nghiệp có được cho chuyển chuyển mục đích hay không, khiến địa phương lúng túng khi triển khai. Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, cần nhận diện một cách chính xác để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp. Đồng thời Bộ trưởng bày tỏ sự phân vân khi Nghị định 44/2014 của CP quy định về giá đất, đưa ra 5 phương pháp xác định đất, nhưng đáng chú ý, cả 5 phương án với cách tiếp cận khác nhau thì lại cho ra kết quả khác nhau.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài chính:Ngay trong Nghị định 44 có đưa ra 5 phương pháp xác định giá đất. 5 phương pháp này rất khác nhau, cho ra kết quả khác nhau. Thậm chí 1 phương pháp là thặng dư cũng đưa ra nhiều kết quả khác nhau cùng thời điểm do yếu tố đầu vào khác nhau, các biến số khác nhau. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường để sửa Nghị định 44 về phương pháp xác định giá đất".

Cũng liên quan đến nút thắt đất đai trong cổ phần hoá, cần phải làm rõ, đất trước cổ phần hoá ai quản lý, trong cổ phần hoá và sau cổ phần hoá ai sẽ quản lý. Từ đó quyết định giá đất, thuê đất và thời hạn thuê đất. Nhiều ý kiến đề xuất không đưa giá trị quyền sử dụng đất vào xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa để tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định giá trị đất đai cũng như tránh thất thoát, trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.

Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN - Cục trưởng Cục tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính: Đầu tiên là vấn đề về đất. Xử lý vấn đề sắp xếp đất đai thế nào để đảm bảo thúc đẩy sản xuất kinh doanh thay vì sau cổ phần hoá doanh nghiệp lại đi vào kinh doanh bất động sản. Cần rà soát thêm khâu xác định giá trị doanh nghiệp còn vấn đề gì bất cập, chưa đúng theo hướng thị trường. Định hướng tách hay không (giá trị quyền sử dụng đất-PV) thì phải rà soát kỹ để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tránh thất thoát trong cổ phần hoá". 

Bàn về các giải pháp thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn DNNN, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đất đai là điểm vướng nhất trong xác định giá trị doanh nghiệp. Các sai phạm về đất đai trong cổ phần hóa thời gian qua chủ yếu xảy ra khi chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng tình với ý kiến cần tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa thoái vốn DNNN, nhưng đại biểu cho rằng, phải rà soát kỹ và đảm bảo đất đó phải được quản lý chặt, tránh lợi dụng gây thất thoát tài sản nhà nước.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Những sai phạm vừa qua không nằm ở việc xác định giá trị sử dụng đất khi thoái vốn cổ phần hóa mà nằm ở giai đoạn chuyển nhượng mục đích sử dụng đất thôi. Tôi nghĩ nếu chúng ta vẫn để xác định giá trị đất trong điều kiện cổ phần hóa thoái vốn thì nó sẽ tiếp tục gây tắc nghẽn và kéo dài thời gian này rất là lâu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp có xu hướng an toàn là trên hết, chúng ta không dám xử lý những giải pháp mạnh mẽ hơn

Thoái vốn chậm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực thu về cho ngân sách nhà nước, phục vụ kế hoạch đầu tư trung và dài hạn mà còn ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tế hiện nay để hoàn thiện quy định pháp luật, gỡ khó cho quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.