• 1126 lượt xem
  • 03:35 22/05/2022
  • Văn hóa

Tiêu điểm: Khi Lịch sử trở thành môn học tự chọn và sự lên tiếng của học sinh

Vấn đề đưa lịch sử trở thành môn tự chọn vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận trong suốt thời gian qua. Trước viễn cảnh lịch sử trở thành môn tự chọn, nhiều ý kiến lo ngại những học sinh không chọn môn này sẽ bị thiếu hụt kiến thức và lòng yêu nước.

MÔN LỊCH SỬ KÉM THU HÚT 

Đây là một tiết học lịch sử rất quen thuộc với nhiều người. Giáo viên và học sinh phải cùng chạy đua trong việc tiếp thu một lượng kiến thức lớn về các sự kiện lịch sử, đáp ứng những bài kiểm tra vẫn nặng về ghi nhớ kiến thức.

Cô PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO, Giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Lê Lợi, Hà Nội: “Từ trước đến nay, nhiều học sinh vẫn coi đây là môn thuộc lòng. Nên tôi cũng lo rằng sắp tới khi được chọn thì các em sẽ không chọn môn học này.”

Những năm gần đây, trong kì thi THPT quốc gia, Lịch sử luôn nằm trong nhóm môn có phổ điểm thấp nhất. Phổ điểm thấp này khiến chúng ta trăn trở liệu có phải học sinh đang không mặn mà học tập môn học này?

Thầy LÊ XUÂN TRUNG, Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Thực tế cái việc học sinh không thích học lịch sử không chỉ diễn ra ở THPT mà diễn ra ở nhiều cấp học của bậc phổ thông. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng nguyên nhân chính có thể là phương pháp việc dạy học chưa tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho học sinh.”

TS HOÀNG NGỌC VINH, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Vì chúng ta vẫn còn dạy theo kiểu dạy nội dung, dạy kiến thức, nhồi nhét được càng nhiều càng ít, cách kiểm tra đánh giá thì theo kiểu ghi nhớ, thành ra người học bị chán, hiệu quả môn học, giá trị đem lại cho người học không cao.”

Các tiết học lịch sử kém thu hút dẫn đến lo ngại học sinh không chọn môn học này là việc có thể hiểu được. Tuy nhiên, những lo ngại này chỉ ra vấn đề cố hữu trong việc dạy và học lịch sử, vấn đề mà dường như ai cũng thấy. Vậy nếu học lịch sử bắt buộc, chúng ta giải quyết được nỗi lo học sinh đều phải học môn này, nhưng có thể giải quyết được vấn đề cốt lõi là môn học này kém thu hút hay không?

HỌC SINH KHÔNG CHÁN LỊCH SỬ

Vừa rồi là những lo ngại rất phổ biến khi lịch sử trở thành môn tự chọn. Tuy nhiên những ý kiến từ các em học sinh, những người trong cuộc lại cho thấy điều ngược lại.

Em ĐỖ VŨ MINH ANH, Học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Em thấy môn lịch sử khá hứng thú. Vì em có thể tìm hiểu các sự kiện trong quá khứ cũng như biết được được cha ông ta đã hi sinh gì cho dân tộc Việt Nam.”

Em NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH, Học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Nếu được chọn em sẽ chọn môn lịch sử. Môn lịch sử giúp cho em và các bạn học sinh biết về các trận chiến và quá khứ hào hùng của ông cha ta. Môn học này sẽ rất thú vị nếu người dạy, giáo viên có hoạt động, bài giảng phù hợp, có cách truyền tải hấp dẫn.”

Em TRẦN KHÁNH LINH, Học sinh trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội: “Môn lịch sử cho em biết giá trị của chiến tranh cũng như hòa bình, những gì con người làm trong quá khứ. Chính vì thế em thấy rất thú vị khi được học.”

Thầy TRẦN QUANG TÙNG, Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lomonoxop, Hà Nội: “Chúng tôi làm khảo sát với 420 học sinh lớp 9 để các em đăng kí chuẩn bị cho năm sau vào lớp 10 thì thấy là có hơn 46% học sinh chọn lịch sử, còn cao hơn nhiều môn khác như là địa lí, sinh học, và một số môn khác nữa.”

HỌC LỊCH SỬ THÚ VỊ HƠN

Thực tế, lịch sử là môn học thú vị, và hầu hết học sinh đều hứng thú với giá trị cốt lõi của môn học này là hiểu biết về quá khứ, hiểu biết về những giá trị của hiện tại. Điều mà các em không mặn mà là những bài kiểm tra cần học thuộc lòng hay những tiết học khô khan nặng về kiến thức. Vậy đâu là điều cần thay đổi?

Đây là buổi tập dượt cho vở kịch về trận Điện Biên Phủ tại một trường THPT. Hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu biết về lịch sử, mà còn thực hành, vận dụng kiến thức hóa học để tạo khói cho sân khấu, vận dụng kiến thức vật lí để xử lí đạo cụ và dàn cảnh chiến hào,… Học từ trải nghiệm như thế này là một cách để học sinh yêu thích và học tập hiệu quả hơn.

Thầy TRẦN QUANG TÙNG, Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lomonoxop, Hà Nội: “Tôi rất vui vì những ngày gần đây cả xã hội quan tâm đến môn lịch sử. Đây có thể là cơ hội để lịch sử thu hút trở lại. Từ góc độ xã hội, tôi mong là có thêm chính sách, các bảo tàng nên mở cửa miễn phí cho học sinh để các em có cơ hội học tập trải nghiệm,…”

 Đổi mới các hoạt động học tập là điều mà mọi nhà trường, mọi giáo viên cần nỗ lực để làm ngay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận môn học này ở nhiều khía cạnh hơn.

TS HOÀNG NGỌC VINH, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Cần phải khẳng định giáo dục lòng yêu nước không phải mục tiêu duy nhất của môn lịch sử. Cái mà lịch sử cần dạy là tư duy, có tư duy lịch sử để hiểu về quá khứ. Ví dụ như người nông dân hiểu là vụ mùa trước tôi trồng cây này nuôi con này không hiệu quả thì tôi cần thay đổi. Cách kiểm tra đánh giá cũng phải khác, kiểm tra sự kiện này diễn ra ngày bao nhiêu nó không giúp ích được gì cả.”

Ông NGUYỄN MINH THUYẾT, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới:Nếu bây giờ chúng ta coi lịch sử quan trọng thế thì tôi hoàn toàn chia sẻ được, nhưng lí, hóa, sinh có quan trọng không? Trong khi đó là những môn có thể giúp giới trẻ hôi nhập công nghệ rất nhanh?”

 Các sự kiện lịch sử luôn mang đến cho chúng ta cảm giác tự hào và biết ơn với quá khứ của dân tộc. Đây là những giá trị rất nổi bật của môn lịch sử, nhưng không phải là đặc quyền của duy nhất môn học này. Lòng yêu nước, sự tự hào có thể đến từ những hiểu biết địa phương gần gũi, thân thuộc nhất. Còn với môn học lịch sử, để học sinh thật hiểu, thật yêu, chúng ta cần thay đổi từ nhiều khía cạnh chứ không chỉ bằng cách “bắt buộc”.

Minh Quốc