• 1705 lượt xem
  • 05:10 08/08/2022
  • Xã hội

Tiêu điểm: Mục tiêu tinh giản và đề xuất tăng gần 9.000 biên chế ở TP.HCM và Bình Dương

Giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đó là nội dung đáng chú ý tại Kết luận số 40 của Bộ Chính trị mới ban hành, về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của toàn hệ thống.

5 NĂM TINH GIẢN VẪN DÔI DƯ HƠN 5.000 BIÊN CHẾ

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, tổng biên chế công chức Trung ương giao địa phương này là 10.869 người, nhưng thực tế HĐND thành phố đã duyệt là 14.470 người, vượt hơn 3.601 người. Số biên chế viên chức mà HĐND thành phố đã giao là 99.985 người, cao hơn 2.104 người so với Trung ương giao.

TP Hồ Chí Minh lý giải, con số này "không phải dôi dư" mà đang làm việc tại các sở ngành, địa phương. Đây là do tăng dân số cơ học khiến bệnh viện, trường học tăng hàng năm, dẫn đến tăng nhân sự này. Đề xuất Trung ương công nhận số biên chế công chức mà HĐND đã duyệt.

Ông VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm, công chức nghiệp vụ chuyên ngành được giao quản lý từ trung ương đến địa phương, đồng ý cho UBND Thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm sau thời gian thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm. UBND Thành phố kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ cho phép TP.Thủ Đức được kép dài thời gian sắp xếp đội ngũ cán bộ-công chức-viên chức- người lao động- người hoạt động không chuyên trách ở phường theo Nghị quyết 653 của Quốc hội.”

Đề nghị bổ sung biên chế cho phù hợp với khối lượng công việc, với phạm vi quản lý cũng như với mật độ 1 công chức phục vụ hơn 1.000 dân tại TP Hồ Chí Minh, xây dựng một đề án xác định lại vị trí việc làm trên cơ sở danh mục vị trí việc làm để xác định số biên chế cần thiết. 

TS.TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch Hội Khoa học Hành chính Việt Nam: “Đầu tiên chúng ta cũng phải rất thẳng thắn nói với nhau đây là số biên chế là TP Hồ Chí Minh đã tự tăng lên không đúng thẩm quyền của mình theo quy định hiện nay, đấy là phải nói như vậy. TP Hồ Chí Minh theo tôi, nên báo cáo với Chính phủ thông qua Bộ Nội vụ để trình Ban Chỉ đạo TƯ về việc sử dụng biên chế trong thời gian vừa qua cũng như những giải pháp để mà thực hiện khắc phục.”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chưa đồng tình với cách giải thích của TP Hồ Chí Minh. Việc dôi dư 5.705 công chức và viên chức phải giải thích là từ đâu, cơ sở nào để HĐND quyết định giao biên chế công chức vượt quy định, cũng như hướng giải quyết. Hy vọng giải quyết đối đề xuất của thành phố, sẽ rất khó khăn, bởi Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã chốt sổ ở cả 63 tỉnh, thành phố.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ:Chúng ta không cầu toàn. Đương nhiên sẽ còn vướng mắc, sẽ còn tiếp tục có những khó khăn vướng mắc nữa. Chúng tôi đề nghị các đồng chí đánh giá, tổng kết hết sức kỹ lưỡng.”

Số công chức, viên chức vượt chỉ tiêu tới mấy nghìn người sau 5 năm thực hiện tinh giản biên chế, là “lịch sử để lại”. Lại thêm đặc thù mà địa phương khác không có, như: Đội quản lý trật tự đô thị khoảng 50 người, tổng 22 quận/huyện /thành phố đã lên tới gần 1.000 người. Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cũng là mô hình duy nhất cả nước, với biên chế gần 400 người. Còn tỉnh Bình Dương cũng đang đề xuất bổ sung hơn 3.200 biên chế công chức và viên chức sự nghiệp.

PHÂN QUYỀN CHỦ ĐỘNG TUYỂN DỤNG, THI TUYỂN

Muốn tinh gọn đầu mối và tinh giản biên chế, phải đẩy mạnh phân cấp, kịp thời sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức để giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến công tác tuyển dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng, kỷ luật, thôi việc. Các Bộ, ngành, địa phương được phân quyền tổ chức tuyển dụng, thi tuyển để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thay vì thụ động ngồi chờ Bộ Nội vụ.

Ông TRƯƠNG HẢI LONG, Thứ trưởng Bộ Nội vụ:Khi mà đã đẩy mạnh phân cấp triệt để vấn đề tổ chức tuyển dụng và nâng ngạch cho địa phương thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện, Bộ không tực tiếp nữa mà sẽ tạo điều kiện hỗ trợ để địa phương thực hiện. Chúng tôi tập trung làm và triển khai xây dựng Nghị định trình Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm định thì có thể là thống nhất để Bộ Nội vụ tổ chức hoặc là thống nhất về ngân hàng để làm sao phần thi vòng 1 là địa phương bớt đi được nguồn lực của địa phương phải tổ chức thi”

Cùng 1 lúc Bộ Nội vụ phải thực hiện các Nghị quyết 18 -19 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 56 của Quốc hội, để hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, gắn với ban hành Nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tiếp tục rà soát sắp xếp đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ. Mặt khác, vẫn phải đáp ứng được số người đang làm việc trong nền hành chính hiện nay, trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là lĩnh vực giáo dục và y tế.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chúng ta phải giải quyết 2 bài toán vừa là thực hiện mục tiêu giảm biên chế, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, lại vừa đáp ứng được yêu cầu đó là nâng cao chất lượng hiệu quả, tinh gọn để mà đáp ứng được hoạt động của hệ thống chính trị nói chung. Nhất là đơn vị sự nghiệp thì chúng tôi thấy đây là vấn đề còn khó khăn. Hay việc chúng ta sắp xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả, khung năng lực, vị trí việc làm của công chức-viên chức vẫn còn rất chậm. Kỷ cương kỷ luật của một số các địa phương, đơn vị về quản lý công chức- viên chức cũng còn chưa tốt”

Nghĩa là vừa tinh giản biên chế, vừa cơ cấu lại đội ngũ nhưng phải đảm bảo công việc thường xuyên hiện nay, cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng công chức, viên chức theo vị trí việc làm với hệ thống tiêu chuẩn đồng bộ…đang là thách thức rất lớn. 
 

TỰ CHỦ BIÊN CHẾ KHÔNG PHẢI TỰ LÀM THEO Ý MUỐN
 

Đến hết năm 2021, biên chế công chức cả nước đã giảm được 10,01%, còn biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015 ...Nếu không phát sinh vượt biên chế ở một số địa phương vừa qua, con số giảm so với mục tiêu 10% của Nghị quyết 39 Bộ Chính trị, sẽ còn lớn hơn. Với Kết luận số 40 mới ban hành, sẽ để định hướng cho cả hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế.

Mục tiêu đến năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước mới, là biên chế công chức quyết định dựa trên vị trí việc làm, chức năng nhiệm vụ từng cơ quan, tổ chức. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và nay là Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, đã có những gợi mở sau phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phân bổ và quản lý chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức sự nghiệp trong thời gian tới đây. 

 Ông TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam: Khi chúng ta đổi mới tư duy về phân cấp, phân quyền thì có thể biên chế phân cấp cho các địa phương tự quyết định nhưng mà phải đảm bảo quản lý chung thống thất của TƯ, chứ không phải tự quyết định muốn làm gì thì làm. Nhưng mà anh phải được tự chủ, tự quyết định biên chế của mình nhưng trên cơ sở là sự chỉ đạo, quy định, kiểm soát của TƯ để đảm bảo sự quản lý thống nhất biên chế trong hệ thống chính trị của chúng ta và phát huy vai trò tự quản của chính quyền địa phương ”

Theo Kết luận số 40, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với chủ trương, quy định của Đảng về quản lý biên chế. Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 thì vẫn tiếp tục thực hiện chỉ tiêu này, vừa phải đồng thời thực hiện tiếp mục tiêu tinh giản biên chế của giai đoạn 2022-2026.Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021, thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022-2026.

Năm 2022, tổng số biên chế cả nước hơn 256.000 người. Quan điểm của chúng tôi là không lạm dụng để tăng biên chế, đi ngược lại Nghị quyết. Nhưng cũng không nên áp số lượng công chức-viên chức cứng nhắc theo đơn vị hành chính, mà nên phân bổ theo số lượng dân cư và khối lượng công việc thực tế hàng ngày, hàng tháng thay vì sự cào bằng./.

Ngọc Dũng - Trần Huy - Sỹ Cường - Anh Tuấn