Tiêu điểm: Nhận diện lãng phí và quyết tâm của Quốc hội

Nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, không đáp ứng được mong mỏi của Nhân dân, gây ra sự lãng phí. Với quyết tâm đổi mới, Quốc hội đã quyết định giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” nhằm tìm được những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, loại bỏ các yếu tố không hiệu quả, để có thêm nguồn lực cho sự phát triển đất nước.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, đã được Quốc hội thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ năm 2013. Bên cạnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì đây được coi là “một trong hai mũi giáp công” nhằm đảm bảo nguồn lực của đất nước được sử dụng hiệu quả để phát triển, nhất là trong điều kiện nước ta còn khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, không đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, gây ra sự lãng phí cho ngân sách nhà nước, đi cùng với nó là hàng loạt hệ lụy rất nghiêm trọng đã xuất hiện.

LÃNG PHÍ NHÀ Ở SINH VIÊN VÀ KHU GIÃN DÂN PHỐ CỔ

Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp khởi công từ tháng 9/2009 từ nguồn vốn ngân sách, có diện tích hơn 40.000m2. Song hơn 10 năm qua, dự án mới có 3 trên 6 tòa nhà hoàn thành đưa vào sử dụng, còn phần lớn diện tích còn lại là các công trình dang dở và nhiều cơ sở dịch vụ hoạt động trái phép. 

Ông NGUYỄN MẠNH HÀ - Cán bộ Xây dựng phường Thanh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội: “Năm 2021 chúng tôi đã kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp ăn ở trái phép trong khu vực này và có văn bản đề nghị Ban quản lý nhà phải quây tôn rào chắn toàn bộ khu vực này.”

Chậm trễ trong thi công khiến tổng mức đầu tư tăng từ 1500 tỷ lên 1900 tỷ đồng. Không thể đưa vào sử dụng khiến hàng nghìn sinh viên phải nhịn ăn, nhịn uống để thuê trọ tại Thủ đô với mức giá gấp nhiều lần so với con số 205.000 đồng/1người/1tháng của dự án. Thiếu tính toán đến yếu tố giao thông cũng là nguyên nhân khiến dự án thất bại. Và kể cả có thực hiện phương án chuyển đổi mục đích sang nhà ở xã hội thì cũng khó khả thi.

Ông ĐẶNG HÙNG VÕ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Ở đây tôi cho rằng chúng ta đang lãng phí kể cả ngân sách, kể cả đất đai, do chúng ta đưa ra các phương án không phù hợp với mục tiêu đặt ra, điều này chúng ta thấy không phải chỉ là 1 trường hợp."

Còn đây là dự án giãn dân phố cổ rộng khoảng 30 ha, tọa lạc tại vị trí đắc địa ven tuyến đường lớn thuộc địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. 5 khối nhà chung cư với hàng trăm căn hộ đang bị bỏ không.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội: “Rõ ràng chúng ta đã sai phạm từ trong quá trình hoạch định, quy hoạch, đầu tư xây dựng, bởi nó không mang lại bất kỳ mục đích nào cho người dân, lẽ ra nguồn vốn đó đem cho dự án khác sẽ hiệu quả hơn.”

Bà BÙI THỊ AN - Đại biểu Quốc hội khóa XIII: “Đất nước ta còn rất nghèo, chúng ta cần phải tiêu những đồng tiền chính đáng, cần phải tiêu những chỗ cần tiêu. Chúng ta phải chỉ thẳng, nói rõ ra sai là từ cấp quản lý rồi, chúng ta làm không tốt, đánh giá không tốt.”

Chủ trương giãn dân phố cổ được TP.Hà Nội đã kéo dài hơn 2 thập kỷ mà chưa tìm ra cái kết thỏa đáng, không đáp ứng mong mỏi của cử tri, gây ra tình trạng lãng phí trong đầu tư công.

GIÁM SÁT CÁC DỰ ÁN CÓ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG GÂY LÃNG PHÍ

Dự án Khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp và nhà ở phục vụ đề án giãn dân phố cổ chỉ là 2 trong số hàng nghìn dự án đầu tư công hiện nay, không mang lại hiệu quả, gây lãng phí cho nguồn ngân sách nhà nước. 

Quốc hội khóa XV, ngay tại Kỳ họp thứ nhất đã quyết định giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Với quyết tâm coi giám sát là một trọng tâm đổi mới của hoạt động Quốc hội khóa XV.

Một số nguyên nhân dẫn đến lãng phí được chỉ ra là do Chính phủ mới chỉ điểm danh, kể tên, chưa đánh giá một cách sâu sắc, cụ thể, chưa quy trách nhiệm rõ ràng khi để xảy ra lãng phí, đặc biệt là lãng phí trong đầu tư công. 

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: “Trong đầu tư công dễ nhận thấy là những dự án đầu tư xong không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao. Đó là những quyết định lãng phí từ quyết định đầu tư dẫn đến quá trình sản phẩm tạo ra không mang lại lợi ích xã hội. Thậm chí chúng ta nghèo nhưng hoạt động đầu tư công không được tính toán chắc chắn, ổn định."

Ông NGUYỄN ANH TRÍ - Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: “Một chủ trương chính sách sai có thể gây ra lãng phí cực kỳ nhiều luôn, không thể tính toán nổi, tham nhũng không đáng sợ bằng lãng phí, cần phải lên án và nghiêm trị.”

Thực tế cho thấy, một số công trình chậm tiến độ, không đem lại hiệu quả đã dẫn đến lãng phí không nhỏ, đặc biệt là lãng phí về tài chính do kéo dài, do tăng giá, trượt giá, tăng vốn.

Ông ĐÀO HỒNG VẬN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: “Đề nghị Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, làm sao cho đồng bộ và chú trọng hơn công tác chuẩn bị đầu tư, gắn trách nhiệm các cơ quan được giao đầu tư và chuẩn bị đầu tư.”

Việc lãng phí đã, đang và tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

LÃNG PHÍ SẼ “LỘ DIỆN” SAU GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI

Trên thực tế chuyển biến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, kỳ vọng của nhân dân. Việc cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí chưa được quy định rõ ràng. Những bất cập này sẽ sớm được nhận diện sau khi Quốc hội giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong quá trình này nếu phát hiện những dấu hiệu sai phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung quan trọng cần thiết, trong bối cảnh đất nước thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn lực còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Đôi khi hậu quả của lãng phí còn lớn hơn tham nhũng, nếu tiết kiệm được đồng nào thì ích lợi cho quốc gia đồng đó. Điều kiện còn khó khăn mà không tiết kiệm thì có lỗi với dân!”

Bà BÙI THỊ AN - Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tôi cho rằng nhận định của Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn đúng, tham nhũng thì chúng ta đã có tổng kết rồi, còn lãng phí thì chúng ta chưa ai nhìn thấy nhưng nó lại len lỏi ở mọi cấp." 

Qua giám sát, các đại biểu dân cử sẽ chỉ ra được những lãng phí trong sử dụng tài sản công, từ đó sẽ tìm được những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý nhằm loại bỏ các yếu tố không hiệu quả.

Ông ĐẶNG HÙNG VÕ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Giám sát về lãng phí tôi cho rằng chúng ta cần tìm ra các biểu hiện của lãng phí, kể cả từ chủ trương chính sách cho tới các chính sách cụ thể, và có đánh giá lãng phí ở đâu, bao nhiêu % và từ đó tìm ra trách nhiệm các cấp đến đâu.”

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nghe đơn giản nhưng đi sâu vào nội dung này, sẽ có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân lực, vật lực, tài lực của quốc gia.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội: Tại khóa XIV bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần đề nghị tăng cường sự giám sát, muốn vậy phải có một Nghị quyết của ban chấp hành trung ương, về tăng cường năng lực hiệu quả, hiệu lực của giám sát của cơ quan dân cử nói riêng, quốc hội nói chung.”

Với quyết tâm coi giám sát là một trọng tâm đổi mới của hoạt động Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV, lãng phí sẽ “lộ diện” rõ hơn trong thời gian tới khi Quốc hội đặt quyết tâm cao để trả lời với Nhân dân và cử tri cả nước./.

Minh Công