• 1608 lượt xem
  • 05:14 17/05/2023
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Quy hoạch điện VIII - Chuyển dịch xanh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 500 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII. Theo đó đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi và đến 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với hiện nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 500 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII. Theo đó đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ tăng gần gấp đôi và đến 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với hiện nay.

Đáng chú ý, quy hoạch điện 8 ưu tiên chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. 

Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quy hoạch điện 8 nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Quy hoạch Điện 8 mang đậm chất chuyển dịch năng lượng. Theo đó, tỷ trọng điện than- loại năng lượng tạo nhiều phát thải nhất sẽ về 0%. Các nhà máy điện than, điện khí sẽ chuyển đổi sang biomass, amoniac, khí trộn, hydro…trước năm 2050. Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 71,5%.

Các mục tiêu này được đánh giá phù hợp với cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 tại COP26.

Một thách thức khác đối với việc thực hiện Quy hoạch điện VIII là thời gian. Từ nay đến 2030, chỉ còn 7 năm để Việt Nam nâng tổng công suất nguồn điện lên gấp đôi so với hiện nay, cùng với đó là khối lượng đầu tư rất lớn về lưới. Các mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh đầy tham vọng đòi hỏi các cơ chế rất đặc thù để có thể thu hút các nguồn vốn đầu tư rất lớn, và các công nghệ hiện đại nhất cả trong và ngoài nước.

Mặc dù có những thách thức trước mắt khi bắt tay vào triển khai Quy hoạch điện VIII nhưng quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là bắt buộc trong xu thế chuyển dịch kinh tế và năng lượng toàn cầu. Và bên cạnh thách thức còn có cả cơ hội để Việt Nam khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo thành ngành kinh tế mới, biến Việt Nam tới quốc gia xuất khẩu năng lượng. Điều mà trước tới nay chưa từng được tính đến. 

Lê Hương