Tiêu điểm: Trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị - Sửa mình hay sửa luật?

Đoàn giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa làm việc với 8 bộ, ngành về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Bước đầu cho thấy, các bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo công tác tiếp công dân, trong đó có việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Tuy nhiên, kết quả thực hiện hầu như chưa đảm bảo theo quy định.

Đoàn giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với 8 bộ, ngành gồm: Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Công an, Lao động Thương binh và Xã hội.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, trong kỳ báo cáo, tổng số lượt tiếp công dân của Viện Kiểm soát nhân dân các cấp là hơn 126.000 lượt, trong đó tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu là hơn 1.000 lượt. Về cơ bản, Viện trưởng VKSND các cấp đều thực hiện tiếp công dân theo định kỳ ít nhất 1 ngày trong 1 tháng. 

Bộ Tư pháp đã tiếp hơn 2.300 lượt công dân. Từ tháng 4/2015- tháng 12/2021, lãnh đạo bộ đã tiếp 95 lượt công dân. Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Chính trị sơ kết việc thực hiện Quy định số 11/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Bộ Xây dựng đã tiếp 770 lượt công dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tiếp công dân định kỳ 60 ngày, thực hiện đầy đủ theo quy định của luật, mỗi tháng tiếp công đân định kỳ 1 ngày vào ngày thứ Sáu của tuần thứ 3 hàng tháng. Sau cuộc tiếp, Bộ Xây dựng đều ban hành Thông báo kết luận của Bộ trưởng đối với từng vụ việc.

Với Bộ Công an, Công an các cấp đã tiếp hơn 231.000 lượt công dân, bao gồm cả những vụ việc không liên quan đến ngành.

Với ngành tòa án, các tòa án đã tiếp hơn 482.000 lượt công dân. Tòa án Nhân dân tối cao kiến nghị với Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong luật tiếp công dân cho phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các đạo luật tố tụng theo hướng: Quy định này chỉ nên áp dụng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, không nên áp dụng đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tiếp hơn 14.000 lượt công dân. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Tiếp công dân theo hướng cho người đứng đầu cơ quan (gồm Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố) được ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân thau trong trường hợp bận công tác đột xuất.

Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tiếp hơn 1.900 lượt công dân trong kỳ báo cáo. Do yêu cầu công tác của Quốc hội, các cơ quan Đảng, của Chính phủ nên việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp công dân định kỳ theo đúng lịch mỗi tháng 1 ngày gặp nhiều khó khăn và chưa đầy đủ. Bộ kiến nghị cần nghiên cứu để có cơ chế giao cho Lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các Bộ, ngành tiếp công dân định kỳ thay cho việc quy định cứng là người đứng đầu tiếp công dân.

Trong kỳ báo cáo, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp công dân thường xuyên hơn 75.000 lượt người. Thanh tra Chính phủ đề nghị bổ sung quy định người đứng đầu được ủy quyền cho cấp phó trong công tác tiếp công dân trong quá trình hoàn thiện quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Đánh giá bước đầu về những nguyên nhân của việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các bộ, ngành hầu như chưa thể thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật, Phó Trưởng Ban Dân nguyện HOÀNG ANH CÔNG - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cho rằng có hai nguyên nhân. 

Phó Trưởng Ban Dân nguyện HOÀNG ANH CÔNG - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát: Một là về khách quan, do tính chất công việc của những người đứng đầu các cơ quan, Bộ trưởng các bộ với bộn bề công việc quản lý nhà nước của bộ và của địa phương. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc sắp xếp thời gian để tiếp công dân. Hai là về chủ quan, là ý thức của người đứng đầu, đôi khi có lúc có nơi còn coi nhẹ, không xác định rõ đây là trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Dẫn đến có nơi việc tiếp công dân định kỳ không đạt được theo yêu cầu.

Luật Tiếp công dân đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan phải trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. 

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Nếu như người đứng đầu nghiêm thì việc tiếp công dân sẽ đến nơi đến chốn. Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng trực tiếp tiếp công dân. Ở một số bộ ngành, địa phương, một số đồng chí nói rằng vì nguyên nhân quá bận mà không tiếp được công dân, thậm chí tiếp chỉ được mấy phần trăm thì tôi cho là không ổn. Đây là vấn đề đã được luật hóa, luật thì không cho phép ủy quyền. Mỗi 1 tháng cao nhất 1 Bộ trưởng, 1 Chủ tịch tỉnh chỉ phải tiếp dân 1 ngày 1 tháng thôi. 

Tôi cho rằng, chúng ta có thể hủy bỏ các cuộc khai trương, ủy quyền cho những người khác đi các cuộc họp nhưng cần phải gần dân. Đây là 1 trong những yếu tố nằm trong đạo đức của Bác Hồ, phải gần dân, phải học dân, phải trọng dân và chúng ta phải tuân thủ các quy định pháp luật. Theo tôi, quy định về việc tiếp dân theo số ngày không cần phải sửa đổi, chúng ta chỉ cần có thể sửa mình chứ không cần phải sửa luật.”

Ông LÊ ANH TUẤN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Đây là quy định rất đúng, để thể hiện quyền dân chủ cũng như tăng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong hệ thống cơ quan nhà nước, cần phải thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Tuy nhiên, luật cũng quy định trong trường hợp người đứng đầu không bố trí sắp xếp được tiếp công dân thường xuyên thì có thể lùi thời gian tiếp. Lịch tiếp công dân định kỳ thường được quy định trong nội quy tiếp công dân ở cơ quan thì lịch đó đã được cơ quan mà người đứng đầu đấy chủ trì xây dựng. Thời gian thì đã chủ động xác định ngày đó rồi, quá trình bố trí sắp xếp lịch tiếp công dân cho thủ trưởng thì các cơ quan đơn vị tham mưu cần phải có tính toán.”

Bà TRẦN THỊ HOA RY, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Tôi thấy rằng quy định về người đứng đầu tiếp công dân là rất tốt nhằm quan tâm chỉ đạo việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Lịch tiếp công dân thì có rồi nhưng nếu không có sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ trong việc thông báo đến người dân thì khi có lịch người tiếp mà người dân không đến thì đó cũng là 1 vấn đề bất cập cần quan tâm trong thời gian tới.”

Các quy định của Đảng và pháp luật nêu rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Việc chưa thực hiện nghiêm, không đầy đủ thì ngoài trách nhiệm còn liên quan đến công tác đánh giá cán bộ.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện HOÀNG ANH CÔNG - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát: “Việc đánh giá cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ là điều rất quan trọng. Trước đây khi  có quy định của Luật Tiếp công dân nhưng chưa có quy định của Đảng về việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp, dẫn đến có khoảng thời gian trùng xuống trong công tác này. 

Tuy nhiên khi có Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân ra đời, cùng với quy định tại Luật Tiếp công dân đã khẳng định yêu cầu của Đảng, Nhà nước ta với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy phải tiếp công dân định kỳ. Định kỳ ở đây được hiểu là phải đăng ký, thông báo cho người dân thời gian 1 tháng 1 lần để người dân được biết. 

Đây là trách nhiệm rất lớn. Khi quy định của Đảng, pháp luật đã có thì cần có đánh giá, có ràng buộc trách nhiệm khi không thực hiện nghiêm túc thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, lãnh đạo cấp trên. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo hàng năm. Theo tôi, phải coi đây là một tiêu chí cứng để đánh giá cán bộ, lãnh đạo ngoài đánh giá việc hoàn thành những nhiệm vụ khác.” 

Ở đâu, người đứng đầu làm hết trách nhiệm, đầy đủ trong việc tiếp công dân; lắng nghe ý kiến xây dựng của nhân dân, quyết liệt chỉ đạo xử lý sai phạm, thì có lẽ ở đó sẽ bớt đi khiếu nại tố cáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều tai mắt”. Vai trò của nhân dân cũng được Đại hội 13 của Đảng nêu bật với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Chính vì vậy, tiếp công dân, đó không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu mà còn qua đó, người lãnh đạo, quản lý sẽ nắm bắt được những vấn đề bất cập trong ngành, lĩnh vực, cơ quan mình, từ đó chỉ đạo giải quyết. Đoàn giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát tại các địa phương trong tháng 4 này để có những kiến nghị xác đáng. /.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam