Tín dụng ưu đãi đầu tư chuỗi giá trị cho vùng dân tộc thiểu số

Chiều 22/03, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức cuộc họp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam và đại diện các đơn vị liên quan về chính sách tín dụng thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH15 của Quốc hội.

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải bổ sung thêm chính sách hỗ trợ tín dụng cho đầu tư chuỗi giá trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào trong nghị định này với đối tượng và mức cho vay phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 hiện tại mới quy định 5 chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hỗ tợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất chuyển đổi nghề và đầu tư phát triển vùng dược liệu quý. Các đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ vay phát triển chuỗi giá trị để tạo đột phá trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông QUÀNG VĂN HƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:Nếu chúng ta rời chuỗi ra thì chúng ta lại quay lại giai đoạn vừa rồi. Tức là chỗ này hỗ trợ một chút, chỗ này chỗ kia, rồi lại cho không. Có chuỗi mới liên kết được người dân từ sản xuất đến tiêu thụ mới bảo đảm hiệu quả chính sách. Theo tôi phải tính kỹ. Nếu chỉ cho vay đất ở, nhà ở, giải quyết những cái không sinh lời thì không giải quyết được vấn đề cuối cùng là thoát nghèo cho bà con.”

Ông BẾ TRUNG ANH, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Hiện nay nhiều chuỗi giá trị đã làm nên tôi kỳ vọng vào nghị định làm cho vùng sản xuất này thực sự khởi sắc nên nghiên cứu để có định mức cho phù hợp với quy chuẩn hiện nay, hoặc thị trường hiện nay là cần thiết.”

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia quy định 6 chính sách tín dụng, trong đó có chính sách cho vay đầu tư theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên các chính sách hiện hành không có quy định về nội dung này. Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ bổ sung quy định cho vay chuỗi giá trị tại Nghị định này, làm cơ sở để Ngân hàng chính sách triển khai cho vay.

Ông HUỲNH VĂN THUẬN, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng Chính sách xã hội: “Theo quy định hiện hành thì Ngân hàng chính sách chưa cho vay theo chuỗi giá trị. Do đó đề nghị quy định chính sách nghiên cứu đối tượng phù hợp, mức vay, thời hạn vay, cho vay chuỗi đó cho phù hợp.”

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Trường trực Ngân hàng Nhà nước: “Đối tượng hưởng chính sách ở đây là rất nhiều các hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng hơn 50% người dân tộc thiểu số làm công nhân lao động. Xét quy mô mức 2 tỷ, đối với một số doanh nghiệp là không đáng kể nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì 2 tỷ được vay theo chương trình lãi suất thấp này là rất đáng quý. Vì vậy, đưa chính sách này vào cuộc sống sẽ kích hoạt cho các doanh nghiệp, tăng cường kết nối của người dân vào chuỗi giá trị.”. 

Phát biểu kết luận Buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần tiếp cận theo hướng hỗ trợ gián tiếp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế. Nghị định phải quy định rõ, các mô hình sản xuất của người dân phải đặt trong liên kết, trong chương trình dự án để tạo sức sản xuất lớn, tránh phân tán.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:Phải quy định được sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác, tổ chức sản xuất để người dân tham gia được vào quá trình sản xuất, tạo chất lượng sản xuất mới, gắn về vấn đề sản xuất, chế biến, thị trường. Đặc việt tập trung thúc đẩy sản xuất OCOP là định hướng rất tốt cho địa phương. Mục tiêu cuối cùng là sản xuất hàng hoá và nâng cao thu nhập cho người dân.”

Việc xây dựng Nghị định về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030  để tiếp nối các chính sách tín dụng giải quyết vấn đề cấp bách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã hết thời hạn thực hiện từ năm 2020, đồng thời thực hiện mục tiêu mở rộng tín dụng chính sách tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng cũng cần tính đến các điều khoản quy định chuyển tiếp để các chính sách đi vào thực tiễn ngay khi được ban hành, đảm bảo hiệu lực hiệu quả, tạo thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, không để đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi.

Thực hiện : Phan Xanh Trương Tùng