Tin quốc tế 25/03/2022: Triều Tiên thử thành công tên lửa "quái vật" Hwasong-17

Những nội dung quốc tế đáng chú ý ngày 25/03: Triều Tiên thử thành công tên lửa "quái vật" Hwasong-17; Mỹ tung ra nhiều biện pháp trừng phạt Triều Tiên và Nga; Châu Âu đạt được nhất trí về đạo luật kỹ thuật số; Châu Âu đặt ra luật chơi với các ông lớn công nghệ; Ước mơ trở thành người trẻ tuổi nhất bay vòng quanh thế giới...

TRIỀU TIÊN THỬ TÊN LỬA ĐẠN ĐẠO XUYÊN LỤC ĐỊA

Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Hwasong-17 từ Bình Nhưỡng. Hwasong-17 là loại tên lửa đạn đạo cực lớn lần đầu được ra mắt tháng 10/2020 và được giới phân tích gọi là "tên lửa quái vật". Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa này

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Hwasong-17 đã bay trong 67,5 phút; đạt tầm bắn 1.090 km và độ cao tối đa 6.248 km. Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá lần phóng thử ngày 24/3 thu được kết quả cao hơn lần phóng ICBM gần nhất của Triều Tiên vào năm 2017. Khi đó, tên lửa Hwasong-15 bay trong 53 phút, đạt độ cao 4.475 km và tầm bắn 950 km. Phía Triều Tiên khẳng định vụ phóng ngày 24/3 đã đạt các mục tiêu kỹ thuật và chứng tỏ rằng có thể vận hành Hwasong-17 nhanh chóng trong viễn cảnh chiến tranh. Các nhà phân tích nhận định rằng Hwasong-17 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu lỏng, cơ động trên bộ lớn nhất thế giới. Kích thước của Hwasong-17 khiến các nhà phân tích phỏng đoán tên lửa này được thiết kế để mang nhiều đầu đạn. 

MỸ TUNG RA NHIỀU BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT TRIỀU TIÊN VÀ NGA

Ngay sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên sau hơn 4 năm, Mỹ đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Mỹ cũng đồng thời gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, liên quan tới xung đột tại Ukraine. 

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm tới 5 thực thể và cá nhân tại Nga và CHDCND Triều Tiên, cùng 1 thực thể tại Trung Quốc vì các hoạt động phổ biến (vũ khí hạt nhân) theo Đạo luật cấm phổ biến (vũ khí hạt nhân) đối với Iran, Triều Tiên và Syria.

Mỹ đưa ra động thái này sau khi người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để bảo đảm an ninh cho nước này và các nước đồng minh

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt Nga, truyền thông nước này dẫn nguồn tin từ Mỹ cho hay, Washington đang bàn về khả năng đóng băng kho dự trữ vàng trị giá 132 tỷ USD của Nga. Bước đi này nhằm tước đi khả năng chống chọi của Nga đối với lệnh trừng phạt của phương Tây. Washington lo ngại rằng lượng vàng dự trữ khổng lồ sẽ cho phép Mát-x-cơ-va mua các loại tiền có giá trị cao trên thị trường quốc tế.

ĐHĐ LHQ YÊU CẦU NGA CHẤM DỨT CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE

Nghị quyết do Ukraine đưa ra và được hơn 100 nước thành viên LHQ bảo trợ là nghị quyết thứ hai được thông qua trong tháng 3 này tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 11 do ĐHĐ LHQ tổ chức. Các nước thành viên LHQ hy vọng nghị quyết thứ hai, cùng với nghị quyết thứ nhất thông qua hôm 2/3 vừa qua, sẽ tác động tích cực thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng nghị quyết phản ảnh một chiều những gì đang xảy ra, không đề cập nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng. 

NGA CÓ THỂ NHẬN THANH TOÁN DẦU KHÍ BẰNG BITCOIN

Nga có thể chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử Bitcoin với các đơn hàng xuất khẩu dầu và khí đốt của mình trong bối cảnh các nước phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt. 

Chủ tịch Uỷ bản Năng lượng thuộc Duma quốc gia (Quốc hội) Nga, Pavel Zavalny cho rằng, với các quốc gia “thân thiện” như Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẵn sàng linh hoạt hơn trong các lựa chọn thanh toán. Ông Pavel Zavalny nói rằng đồng nội tệ của bên mua, cũng như Bitcoin, đang được cân nhắc trở thành hình thức thanh toán thay thế cho xuất khẩu năng lượng của Nga.

CHÂU ÂU ĐẠT ĐƯỢC NHẤT TRÍ VỀ ĐẠO LUẬT KỸ THUẬT SỐ  

Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được nhất trí về Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và sắp tới là Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA). 

Cả hai đạo luật này đã được EP thông qua vào giữa tháng 12/2021 trước khi đặt lên bàn đàm phán với các nước thành viên EU. Trong một thông báo, EP gọi các  đạo luật trên là 2 trụ cột của các quy định kỹ thuật số, tuân theo các giá trị và mô hình của châu Âu. Chúng sẽ tạo ra một khuôn khổ phù hợp với đặc điểm kinh tế của những ông lớn về công nghệ. Pháp là nước chủ trương hoàn tất các cuộc đàm phán và ưu tiên đưa DMA và DSA trở thành luật chính thức trong 6 tháng nước này đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU. 

CHÂU ÂU ĐẶT RA LUẬT CHƠI VỚI CÁC ÔNG LỚN CÔNG NGHỆ

Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) sẽ trao cho Liên minh châu Âu các quyền hạn chưa từng có để nhanh chóng hành động đối với các công ty công nghệ lớn, đồng thời đề ra quy định nghiêm ngặt về những điều "Được làm" và "Không được làm" trên các nền tảng mà các công ty này quản lý.

Dự luật DMA nhắm tới các công ty được gắn nhãn "người gác cổng", tức những nền tảng có quyền kiểm soát sự phân phối trong thị trường của họ. Các hãng công nghệ như Google, Meta, Apple, Amazon, Microsoft bị gắn nhãn người gác cổng, sẽ buộc phải tuân thủ các quy định cụ thể, vốn được đặt ra để hạn chế quyền lực của họ trên thị trường. DMA cũng cấm các công ty ưu tiên dịch vụ của riêng họ thay vì dịch vụ của đối thủ, hoặc ngăn người dùng xóa phần mềm, ứng dụng được cài đặt sẵn.

Ông BRUNO SIVANANDAN - Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham: “Những quy định về dịch vụ kỹ thuật số nói riêng và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số nói chung trước đây được áp dụng cụ thể cho những công ty người gác cổng hay những gã khổng lồ công nghệ. Hiện tại, mục tiêu của quy định này là đảm bảo sự an toàn, quyền truy cập vào các dịch vụ đáng tin cậy và môi trường hoạt động dịch vụ đảm bảo cho bất kỳ ai sử dụng dịch vụ trên internet.”

Dự kiến, các công ty phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của họ nếu vi phạm các quy tắc của DMA. Con số này có thể lên tới 20% nếu tái phạm. Cùng với Luật dịch vụ số DSA, Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) sẽ chấm dứt thời kỳ thống trị của các gã khổng lồ công nghệ, ngăn cản các công ty này bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh, từ đó mang lại cho người tiêu dùng lợi ích lớn hơn từ các dịch vụ kỹ thuật số.

ƯỚC MƠ TRỞ THÀNH NGƯỜI TRẺ TUỔI NHẤT BAY VÒNG QUANH THẾ GIỚI

Mack Rutherford, cậu thanh niên 16 tuổi, người Bỉ đang ấp ủ giấc mơ trở thành phi công trẻ tuổi nhất bay 1 mình vòng quanh thế giới bằng máy bay nhỏ. Vào đầu năm nay, chị ruột của Mack là Zara Rutherford cũng mới xác lập kỷ lục là nữ phi công trẻ tuổi nhất bay 1 mình vòng quanh thế giới.

Mack Rutherford đã bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới bằng máy bay một mình vào ngày 23 tháng 3 từ một sân bay nhỏ gần thủ đô Sofia của Bulgaria. Phi công 16 tuổi người Bỉ gốc Anh đặt mục tiêu trở thành người trẻ tuổi nhất bay vòng quanh thế giới một mình trên một chiếc máy bay nhỏ. Sinh ra trong một gia đình làm nghề phi công và được truyền cảm hứng từ thành công của chị gái, Mack đã cất cánh đến đảo Sicily của Italia.

Phi công MACK RUTHERFORD: "Tôi luôn biết khi nào cần làm điều gì đó đặc biệt trong sự nghiệp hàng không của mình, nhưng tôi không biết mình muốn làm gì. Một lần chị gái tôi đã bay vòng quanh thế giới. Tôi cũng muốn làm được điều tương tự"

Từ Italia, Mack Rutherford sẽ bay về phía nam đến Châu Phi và sau đó bay vòng quanh thế giới để kết thúc hành trình một lần nữa tại Bulgaria vào ngày 19 tháng 7. Nếu thành công, Mack sẽ giành được hai kỷ lục Guinness thế giới. Cậu sẽ trở thành người trẻ tuổi nhất bay vòng quanh thế giới một mình trên máy bay - danh hiệu hiện do Travis Ludlow, lúc đó mới 18 tuổi nắm giữ. Mack cũng sẽ trở thành người trẻ nhất du lịch vòng quanh thế giới bằng máy bay siêu nhẹ microlight, danh hiệu hiện do chị gái Zara của cậu nắm giữ.
 

Anh Tuấn