Điểm tin quốc tế tối ngày 10/03: Hàn Quốc có Tổng thống mới - Chiến thắng của tư duy thay đổi

Hàn Quốc có Tổng thống mới; Ngoại trưởng Nga - Ukraine gặp nhau tìm kiếm giải pháp cho xung đột; Tổng thống Nga thảo luận với Thủ tướng Đức về Ukraine; EU họp bàn về việc giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga; đại diện WHO khẳng định còn quá sớm để tuyên bố đã chiến thắng được đại dịch Covid-19 ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tối ngày 10/03/2022.

Hàn Quốc có tổng thống mới - Chiến thắng của tư duy thay đổi

Thông tin về cuộc bầu cử Hàn Quốc, ứng cử viên Yoon Suk-yeol của đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP) đối lập chính tại Hàn Quốc đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 20 tại nước này. Ông vừa có cuộc họp báo tại trụ sở Quốc hội, tuyên bố chiến thắng và kêu gọi sự đoàn kết đất nước.

Ông Yoon Suk-yeol đã giành chiến thắng trong cuộc đua khó đoán định nhất để trở thành vị tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc. Chiến thắng của ông đã chấm dứt chu kỳ “đổi ngôi” sau mỗi 10 năm giữa các chính đảng thuộc hai phái bảo thủ và tiến bộ ở Hàn Quốc. Chiến thắng này cũng đồng thời cho thấy cử tri đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông vì “sự thay đổi vĩ đại cho xã hội Hàn Quốc”.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cam kết sẽ hợp tác với các đảng đối lập để hàn gắn nền chính trị phân cực, cũng như thúc đẩy sự đoàn kết vì lợi ích của nhân dân.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc YOON SUK-YEOL: “Tôi sẽ xây dựng một lực lượng vũ trang mạnh mẽ để ngăn chặn mọi hành động khiêu khích nhằm bảo vệ sự an toàn, tài sản và chủ quyền của nhân dân. Tôi sẽ tạo công ăn việc làm và chuyển đổi nền kinh tế của chúng ta sang nền kinh tế tập trung vào tư nhân, không phải nền kinh tế do chính phủ điều hành. Chúng ta không thể duy trì phúc lợi cần thiết nếu không có sự phát triển.”

Nắm bắt tâm lý mệt mỏi của người dân do tác động của đại dịch COVID-19 kéo dài, ông Yoon Suk-yeol đã đưa ra cương lĩnh tranh cử tập trung cho các vấn đề đối nội, với trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19, tăng cường đầu tư cho các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường, lấy công nghệ cao làm động lực phát triển mới bền vững nhằm tạo cơ hội việc làm ổn định cho giới trẻ Hàn Quốc. 

Ngay sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, ứng cử viên  Lee Jae-myung đã thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của ông Yoon Seok-yeol. Trong khi Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in đã gọi điện chúc mừng ông Yoon Seok-yeol, đồng thời cho biết sẽ thảo luận giải pháp nhằm chuyển giao quyền lực chính trị một cách êm thấm tại nước này. Lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật Bản cũng ngay lập tức lên tiếng chúc mừng chiến thắng của nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Nga - Ukraine gặp nhau tìm kiếm giải pháp cho xung đột

Ngày 10/3, tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra cuộc gặp  giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa 2 quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga và Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại 1 giải pháp cho cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng này.

Trước đó, phát biểu trước báo giới để thông tin về cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova  đã nhấn mạnh, Nga đang chuẩn bị tất cả những gì cần thiết cho cuộc đàm phán song cũng lưu ý, phía Nga sẽ không vội vàng trong bất cứ vấn đề gì. 

Trong khi đó, trước thềm cuộc gặp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng bày tỏ hi vọng, cuộc gặp sẽ diễn ra suôn sẻ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ MEVLUT CAVUSOGLU: “Cả hai Ngoại trưởng cũng yêu cầu tôi tham gia cuộc gặp theo thể thức cuộc gặp 3 bên. Chúng tôi hi vọng rằng, cuộc họp này sẽ trở thành một dấu mốc, một bước đi quan trọng hướng đến hòa bình và sự ổn định.”

Theo kế hoạch, cuộc gặp sẽ diễn ra bên lề một diễn đàn ở miền Nam thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian và chi tiết cuộc gặp chưa được các bên thông báo. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin tại chỗ, một trong những trọng tâm của cuộc gặp lần này giữa 2 đại diện cấp cao ngoại giao của Nga và Ukraine và cũng là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế hiện này chính là về việc sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo đã được hai bên nhất trí mở trong vòng đàm phán trước đó. 

Kể từ khi xung đột xảy ra, phía Nga và Ukraine đã tiến hành 3 cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên tại biên giới Belarus và Ukraine. Hai bên chưa tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nào. Bởi vậy, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine lần này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại 1 giải pháp cho cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng này.

Tổng thống Nga thảo luận với Thủ tướng Đức về Ukraine

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa có cuộc điện đàm thảo luận về các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột ở Ukraine và thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường. 

Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đã thảo luận về "các khía cạnh nhân đạo" ở Ukraine và các khu vực ly khai. Tổng thống Putin đã thông báo cho Thủ tướng Scholz về các biện pháp đang được thực hiện để sơ tán dân thường và “âm mưu của các tay súng dân tộc chủ nghĩa” nhằm phá hoại kế hoạch đó.

Cùng ngày, Nga và Ukraine đã nhất trí mở thêm các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các thành phố bị bắn phá, trong khi xuất hiện những lo ngại mới về nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau khi bị cắt điện.

 EU họp bàn về việc giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga

Các nhà lãnh đạo thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau tại Véc-xây , Pháp nhằm thảo luận về các giải pháp giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc khác nhau giữa một số quốc gia thành viên EU vào nguồn cung năng lượng của Nga, nên cuộc họp dự kiến sẽ có nhiều bất đồng giữa các thành viên.

Trước thềm cuộc họp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, Đức và cả châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga vì đây là điều cần thiết cho an ninh năng lượng của lục địa này. 3357 - Còn thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, thực tế là  châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt và dầu của Nga. Nếu bây giờ  buộc các công ty châu Âu ngừng kinh doanh với Nga, điều đó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới châu Âu và các nước khác trên thế giới.

Thủ tướng Hà Lan MARK RUTTE: “Chúng ta phải trở nên ít phụ thuộc hơn vào khí đốt và dầu của Nga càng sớm càng tốt  nhưng không phải ngày mai, điều đó là không thể”.

Tuy nhiên, khác với các quốc gia còn trăn trở đối với khí đốt và dầu của Nga như Đức, Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria, một số quốc gia khác như Tây Ban Nha, Ireland  Bồ Đào Nha - nhờ chính sách tự chủ năng lượng và sử dụng các nguồn tài nguyên khác thay thế - dự kiến có thể dễ dàng thỏa hiệp hơn với các biện pháp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Theo đó, khả thi nhất là châu Âu sẽ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga theo lộ trình như  Chủ tịch  Ủy ban châu Ursula von der Leyen tuyên bố hôm 8/3. Đó là EU sẽ giảm 2/3 nhu cầu đối với khí đốt của Nga trước cuối năm 2022 và loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030. 

Về phía Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo việc áp đặt cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh với một loạt biện pháp về cấm xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu thô nhằm đảm bảo an ninh nội địa. Sắc lệnh có hiệu lực ngay khi ban hành cho đến ngày 31/12.

Hơn 2 năm từ khi Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu: Đại dịch sắp bị đẩy lùi?

Trong báo cáo mới nhất về đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cho biết số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã giảm 5% trong tuần qua, tiếp tục xu hướng giảm trong suốt 1 tháng qua. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo, “còn quá sớm để thế giới tuyên bố chiến thắng COVID-19".

Theo báo cáo mới nhất, tại hầu hết các khu vực trên thế giới, tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 đang giảm đáng kể, đặc biệt là tại Trung Đông và châu Phi. Theo các nhà khoa học, dù vẫn chưa rõ khi nào đại dịch có thể kết thúc, song tỷ lệ tử vong thấp hơn trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron là rất đáng chú ý. Tại nhiều quốc gia, việc triển khai các mũi vaccine tăng cường dường như đã góp phần phá vỡ mối liên hệ giữa COVID-19 và bệnh nặng. 

Dù vậy, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định “còn quá sớm để thế giới tuyên bố chiến thắng COVID-19”.

Ông TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Thật đáng khích lệ khi chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 hiện đang giảm trên toàn cầu và ở hầu hết các khu vực. Và thật vui khi thấy một số quốc gia có thể nới lỏng các hạn chế, khi hệ thống y tế của họ không bị quá tải. Nhưng còn quá sớm để tuyên bố đã chiến thắng được đại dịch COVID-19. Vẫn còn nhiều quốc gia có tỷ lệ nhập viện và tử vong cao, tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp. Với khả năng lây truyền cao, mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm hơn vẫn còn hiện hữu. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia hãy thận trọng, các chính phủ cũng cần tích cực hỗ trợ bảo vệ người dân trước tác động của đại dịch.”

Nhiều quốc gia hiện đã bắt đầu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch, xác định sống chung với COVID-19. Theo các chuyên gia quốc tế, để ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm trong tương lai, thế giới cần đảm bảo cân bằng nguồn cung vaccine. Các chuyên gia nhận định rằng, tiêm chủng cho cả thế giới là hy vọng tốt nhất để giảm đà lây lan của virus, cứu sống con người, tái thiết kinh tế toàn cầu.

Thu Ngoan