Điểm tin thế giới tối 12/04: Nga sẽ không dừng chiến dịch quân sự đặc biệt để đàm phán với Ukraine

Nga tuyên bố sẽ không tạm dừng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine; NATO đồng ý cung cấp vũ khí bổ sung cho Ukraine; Thủ tướng Áo nhận định cuộc gặp với Tổng thống Nga là cởi mở; kết quả đối thoại cấp bộ trưởng Ấn Độ - Mỹ; Thủ tướng Nhật Bản lên kế hoạch công du một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam; Hàn Quốc thay đổi cách tính tuổi;...là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

NGA SẼ KHÔNG DỪNG CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT ĐỂ ĐÀM PHÁN VỚI UKRAINE

Nga sẽ không tạm dừng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước của Nga.

Theo ông Lavrov, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tạm dừng chiến dịch quân sự trong thời gian diễn ra vòng đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua, nhưng ông cho biết, đến nay, quan điểm của Nga đã thay đổi. Lý do là vì Nga tin rằng Ukraine không có kế hoạch đáp trả thiện chí của Nga. Cũng theo Ngoại trưởng Nga, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong thời gian tới. Thời gian qua, phía Nga nhận định các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine không tiến triển nhanh như kỳ vọng, cáo buộc phương Tây đang cố gắng làm chệch hướng đàm phán bằng cách đưa ra các cáo buộc chống lại quân đội Nga, điều mà phía Moscow luôn phủ nhận./.

NATO TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ QUÂN SỰ CHO UKRAINE

Tương lai các cuộc đàm phán giữa Ukraine được cho rằng sẽ khó đoán định, trong bối cảnh các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý cung cấp vũ khí bổ sung cho Ukraine, tuy không đưa ra cam kết chi tiết. Đây là kết quả của cuộc họp kéo dài hai ngày giữa ngoại trưởng các nước NATO.

 Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã lên tiếng kêu gọi NATO gửi thêm vũ khí cho Ukraine, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Theo các nhà phân tích, quyết định của NATO có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Phản ứng trước quyết định này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, quyết định tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine của NATO sẽ không giúp cải thiện tình hình, mà còn tác động tiêu cực tới đàm phán giữa Nga và Ukraine.

THỦ TƯỚNG ÁO: CUỘC GẶP VỚI TỔNG THỐNG NGA "KHÓ KHĂN NHƯNG CỞI MỞ"

Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, ngày 11/4, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã có chuyến thăm Nga và tham dự hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow. “Rất khó khăn nhưng cởi mở” là nhận định của ông Karl Nehammer về cuộc gặp này. 

Mục đích của chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Áo là khuyến khích đối thoại, đồng thời mong muốn làm mọi thứ có thể để tiến tới hòa bình dù chỉ là cơ hội nhỏ nhất. Thủ tướng Áo Nehammer cho biết thông điệp quan trọng nhất mà ông gửi tới Tổng thống Putin là chấm dứt xung đột ở Ukraine.

 Thủ tướng Áo KARL NEHAMMER: “Nhìn chung, tôi không có ấn tượng lạc quan nào để chia sẻ với các bạn từ cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ vẫn duy trì và thậm chí còn hà khắc hơn chừng nào xung đột vẫn tiếp diễn ở Ukraine. Tôi cũng nói với ông Putin rằng Tổng thống Ukraine Zelensky muốn tiếp xúc trực tiếp để có các cuộc đàm phán.” 

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Áo cho biết chuyến thăm Nga của ông Nehammer có 3 mục tiêu nhân đạo chính, gồm ngay lập tức ngừng các hành động thù địch, mở các hành lang nhân đạo để sơ tán người dân và bảo đảm tiếp cận nhân đạo cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cũng như các tổ chức nhân đạo khác. 

Trước chuyến thăm Nga, Thủ tướng Áo Nehammer cũng đã đến Ukraine và có cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

ẤN ĐỘ VÀ MỸ CAM KẾT THÚC ĐẨY HỢP TÁC ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG

Ấn Độ và Mỹ sẽ sát cánh cùng nhau thực hiện cam kết chung về việc duy trì một trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật lệ nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập. Bên cạnh đó là hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, đặc biệt là sản xuất vaccine. Đây là những kết quả nổi bật từ đối thoại cấp bộ trưởng lần thứ tư theo hình thức "2+2" giữa Ấn Độ và Mỹ, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng từ hai nước.   

Đối thoại Bộ trưởng Mỹ, Ấn lần thứ tư được tổ chức tại Washington DC, Mỹ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Ngoại trưởng Mỹ ANTONY BLINKEN: “Chúng ta sẽ thảo luận về các vấn đề cấp bách, những thách thức toàn cầu chung, bao gồm cuộc xung đột tại Ukraine, đại dịch COVID 19, khủng hoảng khí hậu, duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, dân chủ, an ninh và thịnh vượng.”

Ngoại trưởng Ấn Độ SUBRAHMANYAM JAISHANKAR: “Trọng tâm trong cam kết của chúng tôi liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng ta đã thấy nhiều tiến triển trong năm vừa qua, trong đó có sự tăng cường hoạt động của Nhóm Bộ tứ kim cương QUAD. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về những vấn đề mang tính thời đại, trong đó có vấn đề Ukraine.”

Phát biểu trong họp báo chung sau cuộc đối thoại, hai bên khẳng định đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề, nhấn mạnh cuộc xung đột ở Ukraine hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn mà Mỹ và Ấn Độ chia sẻ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Ngoại trưởng Mỹ ANTONY BLINKEN: “Khi đề cập đến việc mua bán dầu, các lệnh trừng phạt…, chúng tôi khuyến khích các quốc gia không mua thêm năng lượng từ Nga. Mỗi quốc gia đều có vị trí khác nhau, có những nhu cầu, yêu cầu khác nhau. Nhưng chúng tôi mong muốn các đồng mình và đối tác không tăng cường mua năng lượng từ Nga.”

Ngoại trưởng Ấn Độ SUBRAHMANYAM JAISHANKAR: “Như đã nêu rõ quan điểm tại Liên hợp quốc và các diễn đàn khác, chúng tôi không ủng hộ xung đột. Chúng tôi muốn thúc đẩy đối thoại và các biện pháp ngoại giao. Chúng tôi muốn chấm dứt khẩn cấp tình trạng bạo lực. và chúng tôi sẵn sàng đóng góp bằng bất cứ cách nào cho các mục tiêu này.” 

Cũng tại cuộc đối thoại, hai bên đã ký kết thỏa thuận về Nhận thức tình hình không gian mới nhằm tạo cơ hội cho sự hợp tác cao hơn giữa hai nước. Hai bên cũng đồng ý khởi động Đối thoại trí tuệ nhân tạo quốc phòng, đồng thời mở rộng các cuộc tập trận và huấn luyện chung về không gian mạng.

THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN LÊN KẾ HOẠCH CÔNG DU ĐÔNG NAM Á

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang lên kế hoạch công du một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tới với mục đích tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp.

Thông tin từ Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết, trong chuyến công du sắp tới, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự định sẽ thăm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Trọng tâm của chuyến thăm nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng cân nhắc thăm châu Âu, thảo luận về tình hình tại Ukraine.

THƯỢNG HẢI ỨNG PHÓ LINH HOẠT ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH

Sau 10 ngày ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng liên tiếp, hôm nay, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) lần đầu tiên báo cáo số ca Covid-19 mắc mới trong ngày giảm. Hiện Thượng Hải đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát vừa nghiêm ngặt, vừa linh hoạt để đảm bảo mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.

Cả thành phố Thượng Hải được chia thành ba mức độ kiểm soát, tương ứng với mức độ dịch COVID-19. Trong đó, hơn 7.600 khu vực được phong tỏa nghiêm ngặt, hơn 2.400 khu vực không ghi nhận ca nhiễm mới trong vòng 1 tuần - được đặt trong tình trạng “kiểm soát” và hơn 7.500 khu vực đặt trong trạng thái “phòng ngừa”, được phép mở cửa sau 2 tuần không có ca nhiễm mới. 

Các biện pháp phòng dịch như xét nghiệm toàn dân sẽ được áp dụng tùy theo mức độ dịch bệnh tại từng khu vực. 

Cuối tuần qua, chính quyền Thượng Hải đã cho hơn 11.000 người xuất viện. Đây là những bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và các đối tượng tiếp xúc gần với họ. Những người này được yêu cầu tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà. 

Ông DI JIANZHONG, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải: "Tất cả bệnh nhân đều đạt tiêu chuẩn trước khi xuất viện. Chỉ cần chúng ta kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng ngừa có mục tiêu, mang tính khoa học và áp dụng, cuối cùng, chúng ta sẽ vượt qua dịch bệnh.”

Trong khi đó, thương mại điện tử cũng đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch. Hơn 3.000 nhân viên giao hàng đã được triển khai để vận chuyển hàng hoá cần thiết cho người dân trong vùng bị phong tỏa. Các nhân viên giao hàng sẽ được xét nghiệm COVID-19 hàng ngày, mặc quần áo bảo hộ để bảo vệ bản thân và khách hàng.

Anh YUN MENG, Nhân viên giao hàng: “Chúng tôi đeo khẩu trang N95, găng tay bảo hộ và tự khử trùng hàng ngày”

Hiện chính quyền Thượng Hải cũng đang nỗ lực mở lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc, song các cơ sở kinh doanh không thiết yếu vẫn sẽ bị đóng cửa.

HÀN QUỐC SẼ THAY ĐỔI CÁCH TÍNH TUỔI TRUYỀN THỐNG

Thông báo từ Ủy ban chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol  cho biết chính phủ mới sẽ loại bỏ cách tính tuổi truyền thống, thay vào đó là sử dụng tuổi quốc tế để giảm chi phí xã hội và kinh tế. Theo quy định mới này, người dân Hàn Quốc sẽ “trẻ” hơn một tuổi so với cách tính tuổi hiện nay.

Theo cách tính tuổi truyền thống của Hàn Quốc, con người đã 1 tuổi ngay khi chào đời và bước sang tuổi mới vào ngày đầu năm mới bất kể ngày sinh nhật thực sự là khi nào. Theo Ủy ban chuyển tiếp, việc điều chỉnh cách tính tuổi theo thông lệ quốc tế sẽ giúp hạn chế được các chi phí kinh tế và xã hội liên quan đến nhầm lẫn và bất tiện phát sinh từ cách tính tuổi chênh lệch. Khảo sát tiến hành trên 1.000 người trưởng thành ở Hàn Quốc vào tháng 12/2021 cho thấy 70% ủng hộ đề xuất thay đổi hệ thống tính tuổi theo chuẩn quốc tế. Đề xuất này sẽ cần được Quốc hội Hàn Quốc thông qua trước khi chính thức có hiệu lực. Hàn Quốc cũng sẽ cần sửa đổi Bộ luật Dân sự và các điều luật liên quan khác./. 

ĐỨC: NHÀ MÁY ĐIỆN MẶT TRỜI NỔI TRÊN MẶT NƯỚC

Cuối tháng 5 tới, Đức sẽ chính thức đưa vào vận hành một nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước, với công suất 3 megawatt. Đây là một phần trong nỗ lực của Đức để tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, giảm dần sự phụ thuộc vào Nga trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do tác động từ xung đột tại Ukraine.

Nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước được cấu tạo với 5.800 mô-đun, đặt trên 360 bè nổi, với công suất tương đương với một tua-bin gió được đặt trên bờ. Theo các chuyên gia, tiềm năng từ điện mặt trời tại Đức là rất lớn. Đức có thể khai thác khoảng 20 gigawatt năng lượng mặt trời từ các nhà máy nổi như thế này. 

Ông TONI WEIGL , Trưởng phòng Quản lý sản phẩm, Công ty BayWa r.e.: “Chúng tôi đang xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước lớn nhất tại Đức. Hiện nay, khi giá năng lượng đang tăng mạnh, nhiều công ty sẽ muốn đầu tư vào các nhà máy như thế này. Ở đây chúng ta có thể tạo ra năng lượng xanh trên mặt nước. Điều này có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.”

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, nhà máy này sẽ giúp giảm khoảng 1.100 tấn khí thải CO2 mỗi năm, so với phương thức sản xuất điện năng thông thường từ nhiên liệu hóa thạch.

Kim Ngọc