Tọa đàm 40 năm UNCLOS và 10 năm Luật Biển Việt Nam: Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển

Nhân kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS),10 năm thực hiện Luật Biển Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết với các vấn đề pháp lý, chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng mà UNCLOS 1982 nói chung và Luật Biển Việt Nam nói riêng quy định, TH Quốc hội Việt Nam thực hiện Tọa đàm 40 năm UNCLOS và 10 năm luật biển Việt Nam: Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển.

Ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật quốc tế, đó là sự ra đời của một văn kiện được coi như một bản Hiến chương về biển và đại dương, Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS1982), là khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Trong bốn thập niên qua, UNCLOS1982 đã giúp các quốc gia ven biển xác lập, phân định, quản lý các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích hợp pháp khác một cách hợp lý; đồng thời cung cấp các cơ chế giải quyết xung đột một cách hiệu quả. 

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được xem là “hiến chương xanh” của nhân loại, là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, nhận được sự đồng thuận của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể thông qua Công ước, các bên đã phải trải qua một quá trình đàm phán lâu dài và cam go với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về công pháp quốc tế và Luật Biển.  

Sau 40 năm, UNCLOS 1982 đã thể hiện vai trò như một bản Hiến chương của nhân loại về biển và đại dương nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…diễn ra trong các vùng biển; cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển, đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đồng thời, dung hòa được quyền và lợi ích giữa các quốc gia.

Với ý nghĩa quan trọng, UNCLOS 1982 được xem như kim chỉ nam của các quốc gia trên thế giới khi giải quyết các tranh chấp liên quan tới bảo vệ, bảo tồn môi trường biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, phân định ranh giới hoặc quy định quy chế pháp lý của các vùng biển. Ngay cả những quốc gia chưa phê duyệt UNCLOS 1982 cũng có thể viện dẫn công ước trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách biển của quốc gia, cũng như giải quyết các tranh chấp và bất đồng.

UNCLOS là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho Việt Nam trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế. Và chúng ta cũng thấy, Việt Nam đang là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS. Không chỉ dừng lại ở đó, tại Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Việt Nam đã phát biểu đại diện cho 12 nước thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cam kết thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ công ước.

Cùng với UNCLOS, Luật Biển Việt Nam (LB VN) được phê duyệt ngày 21/6/2012 cũng là một khung pháp lý quan trọng giúp vừa thực hiện bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán  quốc gia; vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đạo luật này là kết quả tất yếu của quá trình nội luật hóa UNCLOS1982 mà Việt Nam là một thành viên chính thức kể từ năm 1994. Những quy đinh của LB VN 2012 hoàn toàn  phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và được xây dựng trên cở sở tiếp thu, bổ sung các quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật và dưới luật đã được Chính phủ Việt Nam công bố, như: Tuyên bố của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 1977, Tuyên bố về Đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải 1982 và Luật Biên giới quốc gia (2003). 

Luật Biển Việt Nam năm 2012 gồm 7 Chương, 55 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, đã thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng. 

Năm 2022 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia: Đất , Biển , Đảo và Vùng trời; là năm đánh dấu 40 năm Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) ra đời, đóng vai trò là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng và hợp tác về biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới. Đây cũng là năm kỷ niệm 10 năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Biển năm 2012, văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS 1982. 

Cùng bàn luận về ý nghĩa của UNCLOS 1982 đối với Việt Nam nói riêng, với các quốc gia trên thế giới nói chung; về quá trình tham gia UNCLOS của Việt Nam cũng như quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam năm 2012 ; về cách thức triển khai và thúc đẩy thực thi Công ước về Luật Biển 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012 với các vị khách mời: 

PGS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Ủy viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2017 -2022 và nhiệm kỳ 2023-2027;

• Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ;

• PGS. Tiến sỹ Chu Hồi,  Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi nội dung chương trình!