• 1599 lượt xem
  • 09:56 05/01/2022
  • Kinh tế

Bàn giải pháp an sinh xã hội và nguồn cung lao động

Thúc đẩy chuyển tiền hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất để thúc đẩy tổng cung, tổng cầu; đẩy mạnh cải cách thể chế; chú trọng đầu tư vào yếu tố văn hóa trong việc phát triển bền vững... là các ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm chuyên đề Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế.

Thảo luận bàn tròn tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, chính sách tài khóa năm 2020, 2021 đã rất linh hoạt, đưa ra nhiều gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, các địa phương cũng đưa ra các gói chính sách đặc thù, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ về tiền điện, tiền nước; tăng quỹ vốn vay giải quyết việc làm... để kịp thời tạo điều kiện cho người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Là người có những nghiên cứu đánh giá tác động xã hội của dịch COVID-19, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia cao cấp Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuyển tiền hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất để thúc đẩy tổng cung, tổng cầu. Theo ông Jonathan Pincus, Chính phủ có thể đưa ra phương án vận chuyển những người lao động an toàn để họ quay lại khu vực công nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế ngắn hạn, đảm bảo người thuê lao động có nguồn nhân lực cần thiết để sản xuất trong thời điểm tới.

Một số ý kiến thảo luận chỉ rõ, phục hồi và phát triển bền vững cần có cách tiếp cận mới, nhận thức mới, chính sách và thể chế mới. Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngoài những gói hỗ trợ phục hồi, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần có cách tiếp cận mới, nhận thức mới, chính sách và thể chế mới. Gói thể chế này nên cũng là một phần trong chương trình phục hồi bền vững, và đây là gói cứu trợ mà doanh nghiệp rất mong mỏi.

Bên cạnh đó, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, trong dịch bệnh COVID-19, lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các hoạt động văn hóa, du lịch bị đình trệ, hàng triệu trẻ em chưa được đến trường và phải học online. GS.TS Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh đến giá trị văn hóa, đề cao những hành động tương trợ nghĩa tình của người dân, của lực lượng tham gia chống dịch, đồng thời khẳng định văn hóa là nhân tố phát triển bền vững.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, văn hóa phải là một trong những nhân tố dẫn đến phục hồi và phát triển bền vững cùng với các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội; chúng ta phải chuyển dần sang nền tảng mới là văn hóa số, cần phát triển các sản phẩm văn hóa số để có thể thích ứng tốt hơn mà không bị tác động tiêu cực từ đại dịch. Điều này chính là mục tiêu để chúng ta đưa văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế chính trị xã hội.

Mời Quý khán giả theo dõi phiên tọa đàm.