Tối ưu hoá kết quả giám sát bằng cách đi sâu vào đối tượng cụ thể, tránh dàn trải

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao hoạt động giám sát đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Nhất trí với các chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đưa vào Kế hoạch giám sát năm 2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

Ông TRẦN VĂN MINH, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: "Thông qua hoạt động giám sát để tiếp tục phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm hoạt động quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực được giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được giám sát nói riêng."

Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, cần tiếp tục đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Kết luận, kiến nghị giám sát phải tập trung vào các nội dung trọng tâm, sâu sắc, có tính thuyết phục và thực tiễn; chỉ rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân, trách nhiệm đối với với các vấn đề tồn tại, hạn chế; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các bất cập, hạn chế gắn với trách nhiệm thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể để có cơ sở kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát."

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, từng bước cụ thể hóa địa vị pháp lý của Đoàn giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đoàn giám sát.

Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp."

Bên cạnh đó, khi xây dựng kế hoạch giám sát cần khảo sát kỹ và lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm trọng điểm, trong đó, đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xây dựng đề cương, biểu mẫu báo cáo cho phù hợp, có tính khả thi, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của hoạt động giám sát.

Khắc Phục