Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Làm cho đất nước ngày càng cường thịnh, vẻ vang

Sáng 9/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã bế mạc sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thành công của Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cả nước đang nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, TBT Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước cũng có nhiều khó khăn, vì vậy cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, để bị động, bất ngờ.

Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TBT cho biết, Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ, cần 
tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
 
Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương nhấn mạnh, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
 
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

 

Bích Liên