Tổng thống Mỹ công bố Khuôn khổ kinh tế nhằm gia tăng đối trọng Trung Quốc

Trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên tới châu Á từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (gọi tắt là IPEF). Đây là một thỏa thuận đa phương được Washington thiết lập nhằm tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế ở Châu Á và được kỳ vọng sẽ có thể đối phó với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh mới.

Trong một bài đăng với tiêu đề “Tổng thống Mỹ công bố Khuôn khổ kinh tế nhằm gia tăng đối trọng Trung Quốc”, trang mạng Al Jazeera nhận định, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) là thỏa thuận nhằm tăng cường vị thế kinh tế của Mỹ và ứng phó với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á. Giới phân tích đánh giá, đây là một sự khởi đầu đáng hoan nghênh để Washington tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế châu Á.

Các quốc gia tham gia vào IPEF chiếm khoảng 40% tổng GDP trên toàn cầu. Danh sách bao gồm Mỹ, Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Dẫn lời Tổng thống Biden, bài viết có đoạn: “Chúng ta có mặt ở đây vì một mục đích đơn giản đó là: Phần lớn tương lai của nền kinh tế Thế kỷ 21 sẽ được viết nên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khuôn khổ kinh tế này sẽ thúc đẩy cuộc đua lên một tầm cao mới."

Cũng phân tích về vấn đề này, tờ Politico cho hay, khác với những hiệp định thương mại tự do truyền thống, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) sẽ không giảm thuế giữa các quốc gia tham gia. Thay vào đó, IPEF tìm kiếm sự hợp tác dựa trên 4 trụ cột chiến lược, gồm thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; và thuế và chống tham nhũng.

Bài viết dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, bối cảnh mới và những thách thức mới mà thế giới đang phải đối mặt, đòi hỏi một cách tiếp cận mới. Đó là lý do các nước tham gia kỳ vọng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) sẽ làm được điều này.
 

Đinh Giang