• 2367 lượt xem
  • 03:24 27/04/2022
  • Xã hội

Trầm cảm ở trẻ em, cha mẹ chớ bỏ qua

Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em và trẻ tuổi vị thành niên từ 2,6–19,4%. Trong số này, khoảng 15–25% có ý nghĩ tự tử và 1,3% - 3,8% đã có hành vi tự tử. Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về trầm cảm ở trẻ em và tuổi học sinh nhưng thời gian qua, tỷ lệ trầm cảm đã tăng lên đáng kể.

Chán nản, bế tắc…, đỉnh điểm là ý định muốn giải thoát bản thân. Tâm sự với gia đình nhưng không nhận được sự tin tưởng, bạn sinh viên này đã uống thuốc tự tử. Chỉ đến khi gia đình đưa em đến bệnh viện mới biết em bị trầm cảm nặng.

BỆNH NHÂN: “Em cũng nói chuyện với bố mẹ rồi, khi tình trạng trầm trọng hơn nhưng bố mẹ có tin em đâu. Những bạn như em tốt nhất là nên gặp bác sĩ … Đôi khi, bố mẹ em cũng phải đến nói chuyện với bác sĩ tâm lý mà, vì họ cũng đâu hiểu trầm cảm là như thế nào?”. 

Tương tự như vậy, bệnh nhân này từ khi vào lớp 10 đã có cảm giác không thể thích nghi, bị bạn bè cô lập. Lúc đó, em luôn cảm thấy chán nản và những suy nghĩ tiêu cực đeo bám em một thời gian dài, khiến bản thân em không thể chịu đựng được. Em từng xin chuyển trường nhưng cha mẹ chỉ nghĩ đó là suy nghĩ của trẻ con. Sự bí bách, căng thẳng đã khiến em chọn việc tử tự để giải thoát.       

BỆNH NHÂN: “Bố mẹ em không hiểu những gì mà em nói, chỉ nghĩ em là trẻ con thôi”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ở lứa tuổi học đường, tự sát là nguyên nhân đứng thứ 2 gây ra tử vong, trên cả tai nạn giao thông, trong đó 95% bệnh nhân tự sát là có vấn đề về mặt tâm thần. Ước tính mỗi năm, ở Việt Nam có hàng chục nghìn người tự sát. Đáng nói, hầu hết các bác sĩ tâm thần đều chung nhận định, vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam đang không được quan tâm đúng cách và bị kỳ thị rất nhiều.     

ThS.BS BÙI PHƯƠNG THẢO, Khoa Tâm thần Trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương: “Trước giờ, tâm thần ở Việt Nam luôn luôn là như thế, không được quan tâm đúng cách và mọi người kỳ thị rất nhiều. Mọi người còn ngại nhắc đến nó, thậm chí còn dùng những từ như “tâm lý”, “thần kinh” nên mọi người rất ngại điều đấy”.

TS.BS TRẦN THỊ HỒNG THU, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương: “Nỗi sợ hãi khi phải thừa nhận bản thân hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh tâm thần là nỗi xấu hổ và bị xúc phạm ghê gớm. Cho nên, dù đã nghi ngờ rồi người ta vẫn rất ngần ngại đi khám.”

Mô hình bệnh tật ở nước ta đang thay đổi, tiến dần đến mô hình bệnh tật của các nước đã phát triển. Chúng ta từ tập trung vào các bệnh nhiễm trùng sang các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, trong các bệnh không lây nhiễm, chúng ta mới chỉ chú ý đến ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch... mà chưa chú ý đúng mức đến lĩnh vực sức khỏe tâm thần… Những câu chuyện đau lòng xảy ra thời gian qua là hồi chuông cảnh báo - đã đến lúc mỗi vấn đề sức khỏe tâm thần cần được đặt vào đúng vị trí của nó./.    

Thanh Hải