Tràn lan khách sạn "tự phong sao", cơ quan quản lý dừng lại ở việc nhắc nhở, phần thiệt vẫn là ở khách du lịch

Một số cơ sở lưu trú ở nhiều địa phương, tự phong sao để nâng hạng, thu hút du khách. Dù đã có những quy định cụ thể để xử lý những vi phạm này. Song trên thực tế hành vi tự phong sao tới thời điểm này chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính. Nếu so với lợi nhuận khủng thu về, vào mỗi mùa cao điểm du lịch, thì nhiều chủ cơ sở lưu trú vẫn bất chấp các quy định của pháp luật là điều dễ hiểu.

Tỉnh Quảng Ninh, một trong những địa phương thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Với gần 1.700 cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, cùng hơn 33 nghìn buồng phòng phục vụ du khách. Việc xử lý các cơ sở tự phong sao gặp không ít khó khăn, bởi việc quảng cáo được thực hiện trên không gian mạng. Nhiều chủ khách sạn quảng cáo sai sự thật, khi bị phát hiện lại đổ lỗi cho các trang bán tour trực tuyến.

Điều 51 Nghị định 158/2013 của Chính phủ quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Trong đó, các cơ sở lưu trú cố tình vi phạm trong việc tự ý gắn sao, dùng từ “sao” để quảng cáo chất lượng. Hành vi này được coi là “quảng cáo sai sự thật”, mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng. Nếu so với lợi nhuận trong 1 mùa cao điểm du lịch hè, con số này không phải quá lớn so với thu nhập từ quảng cáo sai.

Tại tỉnh Thanh Hóa, dù còn tình trạng tự phong sao để thu hút du khách, nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm gần như bị các cơ quan quản lý nhà nước bỏ quên. Như vậy, không ít du khách đến với Sầm Sơn, xứ thanh phải ngậm ngùi chịu thiệt thòi về phần mình.

Để ngăn chặn tình trạng tự phong sao, làm méo mó hình ảnh du lịch trong nước tại các cơ sở lưu trú. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý nhà về lĩnh vực văn hóa, du lịch cần vào cuộc nghiêm túc, tăng cường rà soát, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm, để tránh những hệ lụy về sau. 

Hữu Nghĩa