Tránh tính hình thức trong công tác xin ý kiến tham vấn, phản biện, giám định chính sách

Chiều 1/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu đoàn công tác các cơ quan của Quốc hội làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan Quốc hội với Liên hiệp Hội thời gian qua và dự kiến kế hoạch chuẩn bị các nội dung của các kỳ họp Quốc hội trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá cao vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thực hiện chức năng tập hợp đoàn kết trí thức khoa học và công nghệ; có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đóng góp ý kiến khách quan, thẳng thắn nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến xã hội; các quy hoạch, định hướng lớn. 

Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những nội dung có hàm lượng khoa học, trí tuệ rất cao. Các đại biểu mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội: “Mong muốn liên hiệp có những sáng kiến mới theo yêu cầu của xã hội trong phạm vi thẩm quyền. Liên hiệp tăng cường các nguồn lực thông tin cho các cơ quan Quốc hội.”

Bà PHẠM THUÝ CHINH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Nhiều nội dung của kỳ họp liên quan đến việc xây dựng chính sách, đề nghị các đồng chí quan tâm ngoài các việc đã ký kết; việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức, kỹ thuật; là cơ sở cho thực hành tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực Nhà nước.”

Một số ý kiến cho rằng, để việc phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Liên hiệp Hội một cách hiệu quả, cần thiết phải có hành lang pháp lý và có kế hoạch tổ chức chương trình, các hội thảo làm việc cụ thể, tránh tính hình thức trong công tác xin ý kiến tham vấn, phản biện, giám định chính sách.

Ông ĐẶNG VIỆT DŨNG, Chủ tịch tổng hội xây dựng Việt Nam: “Hiện nay nhiều nội dung vẫn còn mang tính hình thức, việc phối hợp vẫn còn mang tính ước lệ. Cần có đặt hàng cụ thể, chưa pháp luật hoá sẽ khó tổ chức thực hiện.”

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trong thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được giao nhiều nhiệm vụ lập pháp với nội dung các chính sách có tính chuyên sâu, kỹ thuật cao, có tác động sâu rộng đến đời sống người dân và kinh tế, xã hội; cùng với đó là các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là điều kiện để các cơ quan của Quốc hội và Liên hiệp Hội Việt Nam có nhiều dư địa tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong quá trình hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Sắp tới, chúng ta sẽ sửa Luật Đất đai và đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hết sức lưu ý và trực tiếp làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường vài lần rồi. Và gần đây, chúng ta có nghị quyết của BCH Trung ương nhưng triển khai trên thực tiễn thế nào để chuẩn bị cho việc sửa luật đòi hỏi vài kỳ họp. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng, chi tiết, cụ thể, tháo gỡ được vướng mắc trong Luật Đất đai hiện nay để giải phóng nguồn lực đất đai nhưng đảm bảo nguyên tắc cơ bản”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh ngay sau buổi làm việc này, các cơ quan của Quốc hội sẽ chủ động có trao đổi, đặt hàng từng đầu việc cụ thể với kế hoạch chi tiết hơn để công tác phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đi vào chiều sâu, nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện và đề xuất của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong các hoạt động của Quốc hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách trong thời gian tới đây.

Thanh Nga