An Giang: Trao "cần câu" cho người hoàn lương

Khi mãn hạn tù, nhiều người quyết tâm bỏ lại quá khứ, làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên họ gặp phải là không có vốn liếng do trải một thời gian dài cải tạo. Trước thực tế trên, tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã có một cách làm khá hay đó là xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ vốn làm ăn cho những người hoàn lương.

Với số vốn hỗ trợ từ chính quyền địa phương, anh Lê Hoài Phong đã gầy dựng được một cơ sở làm ăn ổn định như thế này. 

Anh LÊ HOÀI PHONG - Xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang: “Mới ra trại về lúc đó mình đâu có gì trong tay, đi làm thuê, làm mướn nên cuộc sống rất là khó khăn. Cũng rất là cảm ơn chính quyền địa phương, lúc đầu về vay 15 triệu mua con bò nuôi rồi mình đi làm thêm, nhờ đồng tiền đó mà mình cũng trang trải cuộc sống được. Lần này chính quyền địa phương thấy mình làm tốt hỗ trợ cho mình thêm mức vay nó cao hơn là 20 triệu”.

Trường hợp như anh Phong không phải hiếm, bởi khi cải tạo xong, họ rất khó tái hòa nhập cuộc sống, đặc biệt là tìm một công ăn việc làm ổn định. Chính quyền địa phương tìm mọi cách để giúp đỡ nhưng ngân sách  không phải lúc nào cũng dư dả. Vậy nên, ý tưởng xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đóng góp là một giải pháp khá hữu hiệu.

Thượng tá TRỊNH BIÊN GIỚI - Phó Trưởng Công an huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang: “Chúng tôi thấy cái nhu cầu của một số người mà hoàn lương về mà có cái chí thú làm ăn nhưng mà không có vốn. Từ đó, công an huyện mới làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện để thành lập ra cái mô hình doanh nhân với an ninh trật tự”.

Tạo điều kiện làm lại cuộc đời cho người hoàn lương cũng chính là cách giữ tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tịnh Biên ủng hộ cách làm này. Thực tế thời gian qua, địa phương đã vận động và hỗ trợ vay vốn cho gần 90 trường hợp người hoàn lương.

Ông VÕ TẤN ĐỈNH - Giám đốc Công ty khai thác và chế biến đá An Giang: “Công ty đã gắn bó với công an huyện Tri Tôn rất nhiều, để huyện giúp cho những người hoàn lương có hoàn cảnh khó khăn, để họ có điều kiện sống, họ làm, vận động những người xấu không có thực hiện nữa mà làm tốt hơn cho địa phương, làm trong sạch địa bàn”.

Vượt qua những mặc cảm, tự ti trong quá khứ, giờ đây, khi đã có sự sát cánh của cả người thân, xã hội lẫn chính quyền địa phương, những người hoàn lương có thể vững tin thực hiện những dự định, mục tiêu, chí thú làm ăn, quyết tâm làm lại cuộc đời./. 

Thực hiện : Trung Hiếu