Tròn một năm xảy ra xung đột Nga, Ukraine

Ngày hôm nay 24/2 là tròn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc xung đột kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Ukraine, mà còn tác động đến tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Cho đến nay, các tổ chức quốc tế vẫn đang nỗ lực kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột, lập lại hoà bình cho người dân Ukraine và thế giới.

Ngày 24/2 một năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo ông Putin, mục tiêu của chiến dịch là phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine.

Một năm đã trôi qua, viễn cảnh hoà bình vẫn hết sức xa vời. Ngay trước thềm dấu mốc 1 năm, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt chiến sự không mang tính ràng buộc. Trong số 193 thành viên tham gia bỏ phiếu, nghị quyết ghi nhận 141 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Tuân theo Hiến chương của LHQ, Nghị quyết tái khẳng định ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, đồng thời không công nhận các lãnh thổ Nga mới sáp nhập hồi tháng 10/2022.

Theo ông Hamid Rashid, chuyên gia kinh tế hàng đầu của LHQ, các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga, chủ yếu nhắm vào các kênh năng lượng Nga, đã gây tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những chính sách trên đã gây khó khăn cho đồng minh của Mỹ, khiến nhiều nước Châu Âu đang phải gồng mình ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Không chỉ vậy, Ukraine và Nga cũng đóng góp sản xuất khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Nga cũng là quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu. Xung đột đã tác động đến chuỗi cung ứng thực phẩm, góp phần làm tăng giá lương thực, khiến nhiều người dân chịu gánh nặng tài chính.

Trải qua 1 năm xung đột, cả Nga và Ukraine đều gánh chịu những tổn thất nặng nề về người và của. Theo dữ liệu từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, ít nhất 8.000 người không tham chiến đã thiệt mạng, và khoảng 13.300 người bị thương. Trên thực tế số liệu này có thể cao hơn. Xung đột vũ trang đã khiến khoảng 14 triệu người phải dời bỏ nhà cửa, và 18 triệu người đang phụ thuộc vào các viện trợ nhân đạo. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!