Trung Quốc nỗ lực tăng ảnh hưởng ở Trung Đông

Trong khuôn khổ chuyến thăm tới A-rập Xê-út, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh lần thứ nhất. Tại đây, 2 bên đã quyết định thiết lập, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Theo giới quan sát, các hội nghị thượng đỉnh sẽ cho phép ông Tập khẳng định vị thế của Trung Quốc như một đồng minh thân thiện và đáng tin cậy

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là “những đối tác hợp tác tự nhiên”. Ông kêu gọi hai bên trở thành đối tác thúc đẩy đoàn kết, phát triển và an ninh. Ông cũng đề xuất 5 lĩnh vực hợp tác chính trong 3-5 năm tới, bao gồm năng lượng, tài chính và đầu tư, đổi mới và công nghệ mới, cũng như hàng không vũ trụ, ngôn ngữ và văn hóa.

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH:“Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn dầu thô từ các nước vùng Vịnh, mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, tăng cường hợp tác phát triển dầu khí thượng nguồn, dịch vụ kỹ thuật, lưu trữ vận chuyển và lọc dầu. Tận dụng tối đa nền tảng Trung tâm giao dịch dầu khí Thượng Hải thực hiện thanh toán bằng Nhân dân tệ trong giao dịch dầu khí."

Thái tử kiêm Thủ tướng A-rập Xê-út Mohammed bin Salman nhấn mạnh, các nước GCC đều mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc, và hy vọng thông qua Hội nghị thượng đỉnh lần này thúc đẩy hợp tác song phương về cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng, đạt được nhiều kết quả hơn, ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu.

Theo giới quan sát, việc tham dự các hội nghị thượng đỉnh sẽ cho phép ông Tập Cận Bình khẳng định vị thế của Trung Quốc như một đồng minh thân thiện và đáng tin cậy, hoàn toàn trái ngược với những thông điệp mang tính cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du tới nước này hồi tháng 7. Đối với Bắc Kinh, các hội nghị thượng đỉnh ở A-rập Xê-út là cơ hội tăng cường ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ở Trung Đông. Đây cũng là nội dung được một số báo đề cập tới trong thời gian qua.

“Vì sao Trung Quốc có nhiều thứ để cung cấp cho A-rập Xê-út hơn Mỹ” là tiêu đề của một bài viết trên tờ South China Morning Post. Theo bài viết, A-rập Xê-út, giống như nhiều quốc gia vùng Vịnh, đang tìm kiếm sự bảo vệ khỏi các mối đe dọa mới nổi trong khu vực. Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang đi xuống, chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình lại nhấn mạnh vào mong muốn tiếp tục hợp tác với các nước A-rập và viện dẫn các giá trị chung của nước này như tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, …

Đối với nhiều quốc gia, sức hấp dẫn của Trung Quốc là khả năng cung cấp các diễn đàn và dự án tập trung vào tầm nhìn dài hạ. Điều này lại phù hợp với kế hoạch "Tầm nhìn 2030" của A-rập Xê-út. Trong khi đó, Mỹ lại quá tập trung vào đảm bảo lợi ích của mình trong khu vực và không có ý định đầu tư, xây dựng hay phát triển.

Trong khi đó, một bài phân tích trên Foreign Policy có nhan đề “Thời kỳ "hôn nhân chung thủy” của Washington với Riyadh đã kết thúc”. Tác giả Aaron David Miller cho rằng Mỹ đang mất dần ảnh hưởng đối với A-rập Xê-út, quốc gia đang ngày càng nghiêng về Trung Quốc và Nga. Theo ông, trong "Chiến tranh Lạnh đương đại", quốc gia Trung Đông không chỉ không còn chọn một bên trong cuộc xung đột mà còn xích lại gần Moskva và Bắc Kinh, vì lợi ích của chính họ đòi hỏi điều đó. Tác giả Miller lưu ý rằng Mỹ đã không còn quan tâm đúng mức đến Trung Đông. Vì vậy, A-rập Xê-út đã chọn Trung Quốc làm đối tác chính, bắt đầu thiết lập quan hệ với nước này.