• 1725 lượt xem
  • 02:04 05/08/2022
  • Xã hội

Tự chủ tài chính không phải tự do, tự lo

Tự chủ đại học là một trong những mục tiêu đặt ra khi đổi mới giáo dục và là xu hướng chung của thế giới. Điều này cho phép các trường tự chủ trong học thuật, mô hình và nổi bật nhất là tự chủ tài chính, nguồn lực đầu tư. Thế nhưng tự chủ tài chính cũng đặt ra nhiều bài toán khó khi nguồn thu có thể đặt ra gánh nặng lên vai người học.

Tự chủ không phải là tự do, tự lo – đây là quan điểm được các đại biểu thống nhất tai Hội nghị tự chủ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào hôm nay. Tự chủ tài chính, vì thế cũng không có nghĩa là bỏ mặc các nhà trường trong tìm kiếm nguồn thu.

PGS.TS HUỲNH QUYẾT THẮNG, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Có một số lĩnh vực thì có thể để tự chủ, nhưng với những lĩnh vực trọng yếu liên quan đến phát triển công nghiệp, mũi nhọn Quốc gia thì thậm chí nhà nước còn phải đầu tư thêm…”

Đặc biệt, đối với các đại học vùng, điều kiện kinh tế của người học còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc tự chủ tài chính nhưng lại tập trung nguồn thu từ người học sẽ gây ra tác dụng ngược.

GS.TS PHẠM HỒNG QUANG, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thái Nguyên: “Khu vực miền núi phía Bắc phần lớn các em nghèo, nên việc tăng học phí nhiều là không khả thi. Chúng tôi khát vọng mong muốn làm sao có chiến lược phát triển đầu tư riêng cho khu vực này…”

 Vì vậy, để đảm bảo chi nhưng cũng không đặt quá nhiều gánh nặng lên vai người học, cơ sở giáo dục đại học cần năng động, sáng tạo trong tìm kiếm nguồn xã hội, liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thành lập các quỹ, các học bổng để người học với điều kiện kinh tế khó khăn vẫn được tiếp cận cơ hội giáo dục đại học là hết sức cần thiết. 

Đỗ Minh