Tự chủ tài chính ở đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt mục tiêu

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 05/11, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ. Một trong những nội dung đáng chú ý trong phiên chất vấn là phần trả lời của các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp.

Trước câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội về việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới chỉ đạt được tỷ lệ 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết kết quả còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân như hệ thống pháp luật ; do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Đặc biệt, các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng và bản thân người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực sự quyết liệt, quyết tâm thực hiện.

Giải trình, làm rõ thêm về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tự chủ tài chính tập trung ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế và khoa học công nghệ. Đặc biệt, giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay. Người dân được nhờ từ hai lĩnh vực này, nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ và tình hình học tập của người dân.

Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định, phát triển thì sẽ tiến tới tự chủ toàn phần. Như vậy, chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam