Từ những vụ việc đau lòng, nhìn lại chuyện chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trẻ

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng liên quan đến những em nhỏ còn đang tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Những vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần trẻ nhỏ, nhất là trong môi trường học đường.

Đây là phòng tư vấn tâm lý của một trường học ở ngoại thành Hà Nội. Đơn sơ và kiêm nhiệm, nơi này chỉ đáp ứng được duy nhất yêu cầu là có 1 căn phòng, chứ khó mà đáp ứng bất kì nhu cầu tư vấn nào khác.

Cô NGUYỄN THỊ MƠ - Tổ trưởng Tổ 1, trường Tiểu học Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội: Huyện đã tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh, nhưng mà từ đó đến giờ dịch nên cũng không nhiều cơ hội cho các em đến trường thành ra phòng tư vấn đó cũng chưa phát huy hiệu quả.

Đáng tiếc, đây không phải ngôi trường duy nhất thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Dù có thông tư hướng dẫn về nội dung này, nhưng chính trong thông tư cũng đề cập đến việc giáo viên có thể kiêm nhiệm vai trò người tư vấn – điều này tạo quan hệ song chiều và vi phạm nguyên tắc trong tư vấn tâm lý. Khi mà tâm lý học đường còn đang được nhìn nhận một cách chưa thấu đáo từ trên xuống dưới, thì rất khó có sự thay đổi đáng kể.

GS. TS PHẠM MẠNH HÀ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục: Trong một thời gian dài chúng ta cho rằng là chỉ những học sinh bị rối nhiễu tâm lý mới cần chăm sóc, tư vấn. Tuy nhiên bây giờ với cả những em học sinh bình thường với tâm lý bình thường chúng ta cũng không thể bỏ qua vì chỉ cần một tác động ngoại cảnh, một rủi ro là có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn rồi. 

Trong tình cảnh chưa được quan tâm về mặt tâm lý ở nhà trường, thì các ẩn ức tâm lý của các em lại càng khó giãi bày với người nhà.

Tiến sĩ ĐẶNG HOÀNG GIANG - Tác giả sách “Đại dương đen - Những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm”: “Hiện nay các cha mẹ, giáo viên có thể lăn xả ra đọc và thực hành về việc nuôi dạy con theo kiểu Nhật Bản hay Do Thái gì đấy, cho con ăn dặm như thế nào, rất là căng thẳng chuyện con phải đeo cặp nặng, giờ học thế nào tiêm chủng ra sao, nhưng đời sống sức khỏe tinh thần của con mình: đâu là dấu hiệu stress, đâu là dấu hiệu trầm cảm hay rối loạn lo âu thì họ mù tịt và cũng không cho rằng mình cần phải biết.

Chưa coi những nỗi đau về tinh thần là có thật đang khiến nhiều học sinh rơi vào các bức bối tâm lý không thể giải tỏa. Những sự việc đau lòng đang gióng lên hồi chuông báo động, và đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc lắng nghe./.

Khánh Hoàng