Từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật phát triển nền công nghiệp dầu khí

Thảo luận về Luật Dầu khí (sửa đổi) một số đại biểu cho rằng cần thiết kế một số điều quy định về đào tạo, chuyển giao công nghệ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhà thầu khi tham gia hoạt động dầu khí Việt Nam để chúng ta từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật phát triển nền công nghiệp dầu khí.

Đại biểu cho rằng, vấn đề chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng với hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí, tuy nhiên hiện nay luật quy định chưa cụ thể điều này sẽ dẫn đến khó thực thi trong thực tế.

Ông NGUYỄN VĂN AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Trong dự thảo luật mới chỉ có quy định tại khoản 3 Điều 51 của Chương VIII là yêu cầu nhà thầu có nghĩa vụ chuyển giao công nghệ đào tạo, sử dụng cán bộ, công nhân Việt Nam và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nếu quy định chỉ khái quát như vậy thì tôi e rằng khó có thể ràng buộc được trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan, nhất là đối với nhà thầu nước ngoài. Vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc này như thế nào và nếu ưu tiên để áp dụng luật chuyên ngành theo Điều 4 thì Bộ Khoa học và Công nghệ có tham gia vấn đề công nghệ nữa không? “

Một số  đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần quan tâm đến chính sách đầu tư phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam.

Bà VŨ THỊ LIÊN HƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: “Từ trước đến nay, hoạt động dầu khí hầu như do đối tác bên ngoài thực hiện, trình độ công nghiệp trong nước chưa đủ năng lực để thực hiện thăm dò, khai thác dầu khí. Do vậy, tôi đề nghị cần phải thiết kế một số điều quy định về đào tạo, chuyển giao công nghệ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhà thầu khi tham gia hoạt động dầu khí ở Việt Nam, để chúng ta từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ kỹ thuật, phát triển nền công nghiệp dầu khí. Bên cạnh đó, để phát triển ngành công nghiệp dầu khí, thiết nghĩ chúng ta phải chủ động tăng cường việc hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài để huy động được nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và chia sẻ rủi ro, đồng thời, tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật ngành dầu khí các nước phát triển."

Một số đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam phải từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dầu khí, từ đó từng bước chúng ta làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới theo Nghị quyết số 36 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sỹ Cường