• 1051 lượt xem
  • 04:10 08/05/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh mới

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã đạt được kết quả tích cực. Kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài. Những vấn đề tổng kết 20 năm thực hiện và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đang được đặt lên bàn nghị sự Hội nghị Trung ương 5 khóa 13.

SỨC MẠNH CỦA KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ

Những năm gần đây, mô hình như cánh đồng mẫu lớn trồng giống lúa Japonica, hay trang trại chăn nuôi vịt đẻ của các hợp tác xã (HTX) tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã không còn xa lạ với người nông dân. Tận dụng lợi thế của địa phương, UBND huyện Ứng Hoà đã hỗ trợ từng mô hình phù hợp cho các HTX triển khai sản xuất. Điều này đã đem đến kết quả tích cực khi các sản phẩm được sản xuất an toàn, công nhận Vietgap và OCOP. 

Bà CAO THỊ THỦY, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội: "HTX chúng tôi liên kết với Công ty xuất nhập khẩu Tường Lân. Một năm bán được cho công ty thấp nhất từ 2.000 tấn hàng và bán ở các tỉnh, tổng địa lý nhiều, khách ăn cảm nhận ngon. Chúng tôi cố gắng duy trì liên kết theo chuỗi để bền vững."

Ông DƯƠNG VĂN HỢI, Giám đốc HTX Chăn nuôi và DVTH Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội: "Sau khi thành lập HTX, (chúng tôi) cũng quảng bá thì thị trường rộng mở hơn, ngoài Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình đến Nam Định cũng về lấy hàng nên việc tiêu thụ địa bàn cũng rất rộng."

Trong khi đó, tại những địa bàn khó khăn của tỉnh Cao Bằng, các HTX đóng vai trò vừa là đầu tàu hướng dẫn người dân cách sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn vừa là đầu mối trung gian thu mua, đưa hàng hóa đến các thị trường. Các HTX không chỉ gắn kết sản xuất đơn lẻ mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. 

Đơn cử như HTX Yên Công, TP.Cao Bằng, với nguồn vốn vay từ Liên minh HTX, HTX đã đầu tư nhà xưởng sản xuất nấm 100% không sử dụng phân bón hóa học và thu được kết quả tích cực, sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu, đạt chứng nhận OCOP.

Chị NÔNG THỊ YÊN, Chủ nhiệm Hợp tác xã Yên Công, TP.Cao Bằng: “HTX chúng tôi cố gắng phát triển thị trường lên thêm để sản phẩm có chỗ đứng trong nước.

Từ thực tế triển khai, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 20 năm sau khi Nghị quyết 13 được ban hành, ngành nông nghiệp đã tổ chức các mô hình HTX cũ lại theo Luật HTX năm 2012; giải thể các HTX ngừng hoạt động, không hiệu quả. Đã có 97,7% các HTX nông nghiệp chuyển đổi. Số lượng, cơ cấu HTX nông nghiệp đạt trên 18.000 HTX chiếm 70% HTX toàn quốc. 

Ông TRẦN THANH NAM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Chúng tôi rút ra bài học, ở nơi nào các doanh nghiệp, HTX và người dân thực hiện ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo sản xuất, đảm bảo tiêu thụ nông sản, thì ở đó vẫn sản xuất bình thường. Đây là bài toán đang được nhân rộng. Trong cơ chế thị trường, ngay trong dịch bệnh cũng đã khẳng định được vai trò liên kết sản xuất giữa HTX và doanh nghiệp."

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Chính vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, phát triển HTX trong nông nghiệp là rất quan trọng, với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HTX

HTX có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các HTX chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, giúp cung cấp các vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, đảm bảo đầu ra. 

Chính vì vậy, việc tháo gỡ các khó khăn nội tại hiện có của HTX là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành nông nghiệp ngày càng có hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch Covid-19 đang đòi hỏi các HTX có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc.

Đưa công nghệ vào sản xuất đang trở thành hướng đi không thể thiếu trong hoạt động của những HTX kiểu mới ở Hà Nội. Tại vựa rau Tráng Việt, Mê Linh, gần 200ha rau củ quả chuyên canh được tạo thành vùng trồng tập trung. Hệ thống tưới tự động được xuống đến từng chân ruộng.

Anh ĐÀM VĂN ĐUA, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, TP. Hà Nội: "Toàn bãi 100% được tưới theo công nghệ Israel. Nhưng với các vét này chúng tôi vẫn đang cấy thủ công bằng máy dầu, vì vậy nếu có điện chúng tôi sẽ tạo ra 1 sản phẩm nữa là các máy hiện đại có thể điều chỉnh từ xa.”

Bên cạnh đó, người nông dân, HTX còn lựa chọn cách thức giới thiệu, bán sản phẩm của mình qua sàn thương mại điện tử và livestream. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số càng cho thấy vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản. 

Bà NGUYỄN THỊ MAI, Giám đốc Công ty sản phẩm sữa nông trại Ba Vì, Hà Nội: “Hình thức livestream giúp tiếp cận được hàng triệu người tiêu dùng, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm sạch, an toàn của mình đến người tiêu dùng.” 

Nông dân Bắc Giang: "Từ lúc có thương mại điện tử, bà con nhân dân không phải vất vả, gánh gồng ra chợ bán, không phải đi bán rong, ở nhà cũng có thể bán được hàng, các công ty đến đặt hàng bà con không phải mang đi đâu hết. Bà con ngồi nhà mà vẫn có thể thấy hàng hóa của mình được chuyển đi chỗ nọ chỗ kia, bà con rất phấn khởi."

Rõ ràng, trong bối cảnh mới, chuyển đổi số trong HTX được coi là một giải pháp tất yếu. Việc chuyển đổi số sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất, tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị. Liên minh HTX Việt Nam đang thực hiện đề án Chính phủ giao về hiện đại hóa công nghệ thông tin và chuyển đổi số HTX, làm sao tất cả tư vấn về pháp lý, thương mại đầu tư, tín dụng… được kết nối trực tiếp với HTX.

Ông NGUYỄN NGỌC BẢO, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: “Để làm được việc này, cần 3 điều kiện. Thứ nhất là mô hình HTX quản trị theo luật và quy mô đủ lớn thì mới đủ chi phí để làm. Thứ hai là cơ sở hạ tầng thông tin về vùng sâu vùng xa vì các HTX phần lớn nằm ở nông thôn. Thứ ba là nguồn nhân lực trong HTX, quản trị sản xuất, HTX thành viên có kinh nghiệm sử dụng kỹ năng và có nhu cầu.”

Hiện nay, với 5.000 HTX, 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trên 50% HTX vào năm 2030. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ của các mô hình kinh tế tập thể, HTX… được xem là những mục tiêu, giải pháp chiến lược để ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai Nghị quyết số 13 trong giai đoạn mới.

KINH TẾ TẬP THỂ, HTX CHUYỂN MÌNH TRONG BỐI CẢNH MỚI

Chuyển đổi số trong HTX là một giải pháp tất yếu trong thời gian tới. Vì HTX cũng là tổ chức kinh tế, cũng phải thực hiện quy luật kinh tế trong thị trường về giá trị, cạnh tranh. 

Để tìm hiểu thêm về kinh tế tập thể, HTX tiếp tục được đề cập như thế nào trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS.TRẦN CÔNG THẮNG - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn.

Phóng viên HÀ LAN: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục đề cập đến phát triển kinh tế tập thể, HTX. Vấn đề phát triển kinh tế tập thể, HTX gặp nhiều khó khăn. Trong chiến lược có định hướng nào giải quyết khó khăn đó?

TS.TRẦN CÔNG THẮNG, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thông:Trong giai đoạn tới, vai trò của kinh tế tập thể là rất quan trọng, đặc biệt là HTX. Chính vì thế trong chiến lược tiếp tục đưa ra rất cụ thể và rõ ràng đây là nòng cốt để phát triển kinh tế hộ, là khâu trung gian quan trọng để kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp, là khâu quan trọng để đưa những tiến bộ mới, đưa những ý tưởng mới đến với người nông dân. Đồng thời kinh tế tập thể cũng là yếu tố quan trọng để phát triển chuỗi giá trị. 

Trong chiến lược cũng đưa ra những giải pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể từ đào tạo, đưa những ưu tiên, ưu đãi, chiến lược về cơ sở hạ tầng đào tạo. Điều đó thể hiện vai trò quan tâm đối với kinh tế tập thể trong chiến lược. Thực trạng hiện nay của chúng ta là đất đai còn manh mún, kinh tế hộ còn nhỏ lẻ, quy mô 9,1 triệu hộ nông lâm thủy sản. Trong giai đoạn hội nhập mạnh, cạnh tranh lớn và trong giai đoạn bắt buộc phải có cạnh tranh lớn nếu không thông qua kinh tế tập thể sẽ rất khó để nâng cao được vai trò của kinh tế tập thể, đồng thời hỗ trợ cho người nông dân.”

Phóng viên HÀ LAN: Thực tế cho thấy kinh tế tập thể đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt từ sự đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất. Kinh tế tập thể cần làm gì để thích ứng với những thay đổi đó? Định hướng kinh tế tập thể được tiếp tục như thế nào trong giai đoạn tới, thưa ông?

TS.TRẦN CÔNG THẮNG, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thông: “Để đạt được hiệu quả, để người nông dân tham gia kinh tế tập thể nhiều hơn thì bắt buộc phải nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX, để nông dân thấy được hiệu quả trong sản xuất. HTX cũng phải đổi mới, phải chủ động hơn và phải ứng dụng những công nghệ mới hoặc tiến bộ số hóa để nâng cao hiệu quả. 

HTX nhiều khi còn là một kênh để phát triển kinh tế dịch vụ, hỗ trợ người nông dân chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp bình thường. Với những điều kiện mới,  câu chuyện về ứng dụng công nghệ số hóa trong HTX là hoàn toàn có thể. Đó cũng chính là vấn đề mà chúng ta phải nâng cao được hiệu quả để người dân thấy rằng mình có lợi khi tham gia HTX, khi đó người nông dân sẽ liên kết với nhau nhiều hơn.”

Từ mục tiêu trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá 13 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Để làm được điều đó, nhất là trong bối cảnh của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế-chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh mang tầm chiến lược vĩ mô để phát triển bền vững kinh tế tập thể. Đồng thời, chú trọng đào tạo nhân lực tốt sẽ thúc đẩy quản trị, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của HTX trong tương lai./.

Đức Minh